Phòng, chống dịch cúm gia cầm

Các bộ trưởng đi kiểm tra trực tiếp tại địa phương

Ngày 29-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phân công các thành viên Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến chỉ đạo, kiểm tra các TPHCM, Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Vĩnh Long. Bộ trưởng Mai Ái Trực chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Tây. Bộ trưởng Hoàng Văn Phong chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và thành phố Cần Thơ. Bộ trưởng Ksor Phước chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Thái Bình, Nam Định và Hà Nam.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Bộ trưởng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.

Theo phân công, các bộ trưởng sẽ chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của địa phương nhằm chấp hành, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người. Sau đó, Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả chỉ đạo, kiểm tra. Thời gian thực hiện bắt đầu từ đầu tháng 1 đến hết tháng 3-2007.

* Ngày 29-12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã ký ban hành công văn số 3495 BNN-TY về việc phát động tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống cúm gia cầm trong toàn quốc.

Theo Cục Thú y, kết quả xét nghiệm mẫu swab (dịch họng hoặc ổ nhớp gia cầm, dùng để phát hiện virus) lấy từ tỉnh Quảng Nam trong khoảng thời gian cuối tháng 11, đầu tháng 12-2006, cho thấy tỷ lệ dương tính với virus cúm gia cầm type H5 trên đàn vịt là rất cao. Cụ thể, trong số 30 mẫu swab được xét nghiệm đã có 22 mẫu dương tính với virus H5 (73%) và 2 mẫu nghi ngờ (7%).

Hiện nay có 10 xã, phường của 6 huyện thuộc 3 tỉnh, dịch cúm gia cầm xảy ra chưa qua 21 ngày là: Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Cà Mau
Ăn gà chết, 4 người nhập viện

Sáng 29-12, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã yêu cầu Trung tâm y tế huyện Năm Căn cách ly và điều trị theo phát đồ bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm đối với 4 bệnh nhân (trong một gia đình) nhập viện sau khi ăn gà chết với các triệu chứng sốt cao, ho, lừ đừ... Đó là vợ và các con của ông Nguyễn Đăng Bình, ở ấp Ông Ngươn, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn gồm: Đỗ Thị Hòa, 37 tuổi (vợ) và các con Nguyễn Phương Đông, 13 tuổi; Nguyễn Đăng Tỷ, 7 tuổi và Nguyễn Đăng Phú, 3 tuổi lần lượt nhập viện từ ngày 25 đến 28-12. Ngày 23-12, ông Nguyễn Đăng Bình làm thịt gà chết cho cả nhà ăn. Sau đó vợ và các con ông bị sốt cao, ho và được đưa đến bệnh viện.

Ngày 29-12, ngoài việc cách ly điều trị, ngành y tế Cà Mau đã lấy mẫu bệnh phẩm gởi đi xét nghiệm. Đến tối qua, 4 bệnh nhân này vẫn còn sốt cao, ho, lừ đừ… nhưng chưa thể hiện rõ triệu chứng suy hô hấp cấp (triệu chứng chính của bệnh cúm gia cầm).

* Tại xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, ngành chức năng vừa phát hiện 128 con gia cầm chết hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Cà Mau: Trong số gia cầm chết ở xã Đất Mũi có một phần mới được nhập từ nơi khác. Rất có thể nguồn virus cúm gia cầm đã lây lan đến xã Đất Mũi qua đường vận chuyển.

NHÓM PV

Thông tin liên quan

- Lỗ hổng từ những vựa trứng cấp 1

- Sóc Trăng: Hai người nhập viện do khó thở sau khi ăn thịt gà

- Cúm gia cầm tái phát tại ĐBSCL : Vùng dịch lan rộng!

- Chấn chỉnh ngay công tác chống dịch CGC tại các địa phương

- Tiêu thụ gia cầm vẫn tăng

Tin cùng chuyên mục