Đồng bằng sông Cửu Long

Thời tiết lạnh, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát mạnh

Gia súc đã tiêm phòng vẫn bị lở mồm long móng
  • Bạc Liêu: Thêm 3 xã có gia cầm chết dương tính với virus H5
  • Cà Mau: 9 xã thuộc 6 huyện, TP tái phát dịch cúm gia cầm
  • Sức khỏe 4 bệnh nhân nghi nhiễm cúm gia cầm chưa có tiến triển
  • Tây Ninh: Ra quân tuyên truyền phòng chống cúm gia cầm
  • Quảng Ninh: Bắt giữ 1,2 tấn gà nhập lậu

Trao đổi với phóng viên báo SGGP chiều 30-12, Giám đốc Trung tâm thú y vùng 7 tại Cần Thơ cho biết: Dịch cúm gia cầm (CGC) đang diễn biến rất phức tạp. Vùng xảy ra gia cầm chết hàng loạt có kết quả dương tính với virus H5 đang mở rộng. Việc tiêm phòng, kiểm soát, quản lý đàn gia cầm, chống tái đàn… còn chưa quyết liệt.

Trong khi đó, thời tiết đang lạnh dần rất thuận lợi cho dịch CGC bùng phát mạnh tại ĐBSCL. Chiều ngày 30-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu có thêm 4 đàn vịt chết (tổng số khoảng 600 con) có mẫu xét nghiệm dương tính với virus H5.

Đó là đàn vịt của các hộ: Nguyễn Văn Lương, ở ấp Huê 2A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (200 con); Trịnh Văn Sang, ở ấp 21, xã Minh Diệu huyện Hòa Bình (trên 200 con); ông Sử Văn Bửu, ngụ ấp Ninh Bình và ông Đặng Văn Nới, ở ấp Lái Viết Ngọn cũng xã Ninh Quới huyện Hồng Dân. Đáng lo ngại là đàn vịt đẻ của ông Đặng Văn Nới trên 60 con đã tiêm phòng vaccine 2 lần nhưng vẫn dương tính với virus H5.

Như vậy đến nay tỉnh Bạc Liêu có 4 xã thuộc 3 huyện Hòa Bình, Hồng Dân và Phước Long chính thức tái phát dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, tại xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, xã Vĩnh Hưng A huyện Vĩnh Lợi cũng có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt…

Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu đang tập trung lực lượng khoanh vùng, khống chế triệt để các vùng dịch tái phát, siết chặt các khâu quản lý đàn gia cầm, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, khẩn cấp tiêu độc sát trùng. Từ khi tái phát dịch CGC đến nay, Bạc Liêu đã tiêu hủy hơn 6.000 con gia cầm mắc bệnh và ấp nở trái phép, đã tiêm phòng bổ sung gần 200.000 con vịt nuôi mới sau 15 ngày tuổi. 

Gia súc đã tiêm phòng
vẫn bị lở mồm long móng

Đầu tháng 11-2006 đến nay, tỉnh Hậu Giang có đàn heo của 11 hộ ở các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ… đã tiêm phòng lở mồm long móng (LMLM) nhưng vẫn bị dịch LMLM với tổng số hơn 90 con. Theo ông Nguyễn Hiền Trung-Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang: Nguyên nhân có thể do các đàn heo có sức khỏe yếu nên miễn dịch không tốt khi tiêm vaccine. Cũng không loại trừ sai sót ở kỹ thuật tiêm của thú y viên như tiêm không đủ liều, rơi vãi ra ngoài. Mặt khác rất có thể virus của vaccine có mức độ tương đồng gien với virus thực địa không cao nên đáp ứng miễn dịch kém sau khi tiêm. Hiện tại, gia súc ở các vùng có dịch đã được tiêm phòng trên 90%. Việc tiêu độc sát trùng được tiến hành thường xuyên. Tình trạng gia súc có tiêm phòng nhưng vẫn bị LMLM từng xảy ra ở các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Tại TP Cần Thơ, 10 ngày qua, dịch tái phát ở 4 xã thuộc huyện Thốt Nốt và quận Bình Thủy với 33 con heo bị LMLM. Trong số này chỉ có 3 con heo được tiêu hủy…

B.Đ.

Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau đã nhận đầy đủ kết quả các mẫu huyết thanh gia cầm gởi xét nghiệm vào chiều 30-12.

Tất cả đều dương tính với virus H5. Như vậy, từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 11-12 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau gửi tất cả 40 mẫu xét nghiệm, đều cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC tỉnh Cà Mau: nếu tính theo địa giới hành chính thì đến nay tỉnh này đã có 9 xã thuộc 6 huyện, TP tái phát dịch CGC gồm: huyện Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn, Thới Bình và TP Cà Mau. 3 huyện còn lại của tỉnh là Đầm Dơi, Phú Tân và Cái Nước cũng xuất hiện tình trạng gia cầm chết. Chi cục Thú y đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Sáng 30-12, tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng chính thức phát động chiến dịch tổng vệ sinh tiêu độc sát trùng phòng chống dịch CGC ở khu vực ĐBSCL trong vòng 1 tháng.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC tỉnh Bến Tre đang tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương.

Qua đó sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo chính quyền các cấp buông lỏng quản lý, không quyết liệt phòng chống dịch CGC.

Ông Nguyễn Hiền Trung-Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: Đến chiều ngày 30-12, ngoài 2 ổ dịch tại xã Xà Phiên và Lương Tâm huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chưa phát hiện ổ dịch CGC mới. Toàn bộ 1.100 con vịt mắc bệnh được tiêu hủy theo quy định.

Chiều 30-12, Quyền Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Trung Kiên cho biết: Sức khỏe của 4 bệnh nhân trong một gia đình ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn nghi nhiễm CGC vì ăn gà chết vẫn chưa tiến triển gì mới. Ngành y tế vẫn đang cách ly nghiêm ngặt, săn sóc đặc biệt, theo dõi và điều trị theo phát đồ bệnh nhân nhiễm CGC. Các mẫu bệnh phẩm gởi đi xét nghiệm chưa có kết quả.

Sáng 30-12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp khẩn cấp bàn biện pháp ngăn chặn dịch CGC lây sang người. Sở Y tế Cà Mau cho biết đã sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để ứng phó với tình trạng CGC lây sang người. Phương châm của ngành y tế Cà Mau là điều trị tại chỗ, hạn chế tối đa việc vận chuyển bệnh nhân cúm đi xa. 

- Ngày 30-12-2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tây Ninh phối hợp với Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y tỉnh tổ chức phát động chiến dịch ra quân tuyên truyền phòng chống cúm gia cầm và đại dịch cúm A H5N1 ở người.

Đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ 2 tỉnh láng giềng Svay Riêng, Kom pong chàm (Campuchia) và gần 500 hội viên Chữ thập đỏ đã tham gia lễ phát động.

- Trong hai ngày 28 và 29-12, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 1,2 tấn gà nhập lậu trên 2 xe ô tô mang biển kiểm soát 33M-1097 và 14M-4530. Các lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy số gà nhập lậu trên.

NHÓM PV 

Thông tin liên quan

- Các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc

- Các bộ trưởng đi kiểm tra trực tiếp tại địa phương

- Cúm gia cầm tái phát tại ĐBSCL : Vùng dịch lan rộng!

- Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở Hậu Giang

Tin cùng chuyên mục