Các tiểu thương ở chợ Lớn Quy Nhơn

Vẫn chưa ổn định được kinh doanh

Vẫn chưa ổn định được kinh doanh

Mặc dù UBND tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm mặt bằng để bố trí cho các hộ bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn tái kinh doanh, các địa điểm để bà con có thể kinh doanh tạm đã được chọn, nhưng cho đến nay, sau nửa tháng kể từ ngày xảy ra sự cố cháy chợ Lớn Quy Nhơn (16-12-2006), các tiểu thương vẫn chưa ổn định được tình hình kinh doanh.

Hiện nay, các tiểu thương buôn bán hàng tươi sống, buôn bán nhỏ lẻ đã tìm được một chỗ kinh doanh tạm, các tiểu thương buôn bán lớn, thiệt hại nặng vẫn đang nỗ lực trong việc ổn định mặt bằng, nguồn vốn, khách hàng để sớm đi vào kinh doanh ổn định.

Vẫn chưa ổn định được kinh doanh ảnh 1

Nhiều hộ bán hàng tươi sống (thịt cá, rau quả) đã xuống lòng đường Lê Lợi để kinh doanh tạm.

Đối với những người buôn thúng bán bưng, chạy ăn từng bữa, nếu nghỉ bán một ngày thì cả gia đình không biết sẽ ra sao. Bởi thế, ngay sau khi lực lượng bảo vệ hết phong tỏa các tuyến đường, nhiều hộ bán hàng tươi sống (thịt cá, rau quả) đã xuống lòng đường Lê Lợi, Phan Bội Châu, 31-3 để bán tạm, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông nơi đây.

Tuy nhiên, không có cách nào khác hơn nên chính quyền địa phương và các ngành chức năng đành phải “làm lơ” để các tiểu thương có chỗ buôn bán kiếm sống qua ngày. Dì Lê Thị Mây, bán hàng rau quả trên đường 31-3, cho biết: “Buôn bán ở đây không bằng trong chợ như ngày trước, bởi khách ngại phải chen lấn mua hàng.

Hơn nữa, do chỉ có hàng tươi sống thôi nên họ cũng ít đến đây để mua mà thường đến các chợ khác để mua luôn nhiều thứ hàng hóa khác nữa”.

Còn với những người kinh doanh ngành hàng cố định thì tìm một chỗ để kinh doanh khó khăn hơn nhiều. Một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, nhiều tiểu thương đã tự đi tìm địa điểm kinh doanh mới tại các chợ khác trong thành phố.

Tuy nhiên, do nhu cầu cao, hơn nữa các chợ này mặt bằng cũng đã bố trí gần hết, nên giá sang nhượng, thuê sạp ở các chợ này tăng cao, nhiều tiểu thương không thể bỏ ra một khoản tiền khá lớn để thuê sạp nên phải chờ chính quyền bố trí mặt bằng.

Theo một chủ hộ kinh doanh trong kiốt ở gần cổng chợ Sân Bay, trước khi cháy chợ Lớn Quy Nhơn, giá sang nhượng mỗi kiốt ở đây chỉ khoảng trên dưới 30 triệu đồng. Sau khi cháy chợ Lớn Quy Nhơn, giá sang nhượng kiốt ở đây tăng gấp đôi, thậm chí còn hơn nữa. Cụ thể, một tiểu thương kinh doanh bánh kẹo ở chợ Lớn Quy Nhơn vừa “bấm bụng” sang nhượng lại kiốt lô 34 chợ Sân Bay với giá 70 triệu đồng (thời hạn sử dụng chỉ còn gần 10 năm).

Chưa dừng lại ở đó, người vừa sang nhượng kiốt 34 chợ Sân Bay còn phải “gánh” thêm lượng hàng trong kiốt của chủ cũ không thuộc mặt hàng mình kinh doanh với giá 40 triệu đồng. Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay chỉ có khoảng trên dưới 100 tiểu thương ở chợ Lớn Quy Nhơn đã tìm được một chỗ kinh doanh ổn định ở các chợ khác trong thành phố.

Do mới đến kinh doanh, khách hàng quen thuộc chưa có nhiều và hàng hóa cũng ít nên mãi lực kinh doanh của các hộ này cũng giảm hơn so với các hộ kinh doanh lâu nay trong chợ. Chị Trần Thị Bích Ngọc, tiểu thương kinh doanh mặt hàng tạp hóa ở chợ Lớn Quy Nhơn đã tìm được chỗ kinh doanh tại chợ Đầm, cho biết: “Bây giờ là thời điểm kinh doanh “ngon” nhất trong năm, nhưng khi qua chỗ kinh doanh mới tôi liên tục ngồi chơi, nhìn các sạp hàng kế bên khách dập dìu mà cảm thấy rất buồn. Thôi thì cố gắng gây dựng lại từ ban đầu chứ biết làm sao”.

Giải quyết nơi kinh doanh mới cho các tiểu thương, UBND TP Quy Nhơn đã chọn phương án trưng dụng Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh để tạm bố trí cho bà con tiểu thương kinh doanh một số ngành hàng (vải, áo quần may mặc sẵn, mỹ phẩm…); đồng thời sẽ bố trí một số sạp hàng ở Cửa hàng Nông sản thực phẩm (góc đường Tăng Bạt Hổ và đường 31-3) để các tiểu thương tạm thời kinh doanh.

Các tiểu thương sẽ không bị thu bất kỳ khoản phí nào (chỉ phải trả tiền điện dùng trong kinh doanh). Chị Trần Thị Bích, một tiểu thương kinh doanh vải, đã đóng xong sạp kinh doanh ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh, tâm sự: “Lo xong mặt bằng kinh doanh rồi, bây giờ đang lo tiếp về nguồn vốn để lấy hàng về bán. Bây giờ trắng tay rồi, không biết vay mượn ở đâu dây. Mà đi vay mượn thì cũng lo không biết kinh doanh ra sao, bởi ở địa điểm mới số lô sạp cũng ít hơn, ngành hàng thì đơn điệu nên sẽ ít người đến”.

Còn mặt bằng tại Công ty Nông sản thực phẩm, hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành thu dọn, làm vệ sinh để bố trí tiếp cho các hộ có nhu cầu.

NGỌC THÁI

Thông tin liên quan

- Cháy xong mới lo... phòng chống

- Phá chợ Lớn Quy Nhơn trong 2 tháng

- Cháy ở trung tâm chợ Lớn Quy Nhơn

Tin cùng chuyên mục