Cần sự chung tay của toàn xã hội

Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua, có tốc độ tăng trưởng rất cao so với các tỉnh, thành trong nước. Là một tỉnh công nghiệp nên từ đầu những năm 2000 đến nay, lao động cả nước đã đổ về đây làm việc, góp phần tạo nên “sinh lực” cho các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất trên địa bàn. Theo thống kê, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có hơn 800.000 công nhân đang làm việc cho hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) ở các KCN tại các thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát…

Có đi sâu, đi sát đời sống của công nhân, chúng ta mới cảm nhận được sâu sắc chữ “nghèo” và chữ “đói”. Nghèo tiền nghèo bạc thì chắc chắn rồi, bởi phần đông công nhân đều đến từ những miền quê cực kỳ khó khăn và gia đình không mấy dư dả về tiền bạc. Nhưng ở đây, người công nhân tại các KCN ở Bình Dương còn “nghèo” thông tin và “đói” cả về đời sống vật chất, lẫn tinh thần.

Trong các khu nhà trọ xập xệ hình ảnh dễ nhận thấy nhất là những nam nữ công nhân “nhốt mình” trong bốn bức tường chật hẹp, cùng những chiếc điện thoại di động. Người nhắn tin, người chơi game, người mải mê nói chuyện. Hay những nữ công nhân tan ca sớm, ngồi tụm ba tụm bảy trước của phòng “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất, rồi khúc khích cười… Ở đây, hầu như không có sự hiện diện của bất kỳ tờ báo, tạp chí hay cuốn sách nào.

Và ti vi thì lại càng hiếm, trong hàng chục phòng trọ cho thuê, may lắm mới có 1 - 2 phòng có thứ công cụ giải trí thông dụng này, mà khi bật lên thì cơ man nào là “muỗi bay lè rè”, bởi đó là những thứ được sản xuất từ hàng chục năm trước. Còn những nam công nhân thì tụ tập từng nhóm chơi bài, đánh cờ, nhậu nhẹt. Đây là môi trường dễ đẩy họ vào sự sa ngã của lối sống không lành mạnh hay các tệ nạn như: cờ bạc, bia ôm, cà phê đèn mờ - mại dâm trá hình…

Trong khi đó, thực tế là nhiều DN chưa thực sự quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Một số DN còn cho rằng, họ chỉ thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, còn chăm lo về mặt văn hóa tinh thần không thuộc trách nhiệm của DN.

“Sức ép” ấy đã đặt lên vai Tỉnh đoàn Bình Dương cùng các cơ quan hữu quan của tỉnh, trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho hàng trăm ngàn công nhân trong tỉnh. Triển khai Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 9 đề ra, năm 2013, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân (TNCN) và lao động trẻ tỉnh Bình Dương đã được thành lập. Đây là mô hình đầu tiên tại khu vực phía Nam của Trung ương Đoàn.

Theo bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, việc đưa vào hoạt động trung tâm hỗ trợ TNCN quy mô lớn nhằm tạo điều kiện để các bạn TNCN, lao động trẻ có địa điểm vui chơi, giao lưu và phát triển các môn năng khiếu, thể thao... Hoạt động của trung tâm cũng là một kênh để Đoàn nắm bắt tâm tư tình cảm của TNCN và kịp thời xây dựng những chương trình hoạt động phù hợp với cuộc sống của họ.

Dấu ấn nổi bật của trung tâm chính là việc phối hợp với các DN tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn, liên hoan, các buổi nói chuyện chuyên đề về các kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa giao thông, kỹ năng sống cho TNCN. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao phong trào; xây dựng, thành lập và quản lý các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích, câu lạc bộ TNCN xung kích, tư vấn pháp luật, tình yêu hôn nhân và gia đình, sức khỏe sinh sản rộng khắp tại các địa bàn…
 
Hai năm đi vào hoạt động, thời gian chưa phải là dài để tạo chuyển biến nhất định, song trung tâm thực sự đã tác động đến cộng đồng, làm thay đổi sự “ứng xử” của giới chủ với công nhân, đáp ứng phần nào nhu cầu thư giãn, giải trí, tư vấn… cho công nhân. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Quan tâm đến đời sống văn hóa - tinh thần của công nhân không chỉ là trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; hay cụ thể là Trung tâm hỗ trợ TNCN và lao động trẻ tỉnh Bình Dương, với một lãnh đạo và hai cán bộ trẻ, nguồn nhân sự rất mỏng manh, mà phải là của toàn xã hội, của các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương.

Có như vậy, trung tâm sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” nắm bắt thường xuyên tình hình TNCN trên địa bàn, giám sát và kiến nghị thực thi các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, tư vấn nhiều lĩnh vực và kỹ năng cho TNCN…

Rõ ràng, Trung tâm hỗ trợ TNCN và lao động trẻ tỉnh Bình Dương là một mô hình hay, và đến nay, đây là trung tâm duy nhất tại phía Nam có chức năng “quán xuyến” đời sống, tâm tư, tình cảm… của công nhân tại các KCN. Trong một tương lai gần, các tỉnh, thành của khu vực Đông Nam bộ, nơi tập trung rất nhiều KCN, khu chế xuất cần có nhiều hơn các trung tâm như thế, để TNCN - lao động trẻ vững tin, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

NGUYỄN THANH

Tin cùng chuyên mục