Hiện trên địa bàn TPHCM có nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng hình thức du lịch lữ hành hoặc hoạt động theo hình thức hợp đồng để đón, trả khách như xe khách tuyến cố định. Móc nối cùng nhà xe này là những đối tượng “cò mồi” (hợp tác ăn chia với chủ xe) đã gom đủ số lượng khách tại các địa điểm cố định, những chiếc xe này sẽ được điều đến để đón khách.
Một số địa điểm chui có chỗ cho xe chạy vào hoặc nhờ các bãi giữ xe, còn lại hầu hết xe đậu ở lòng, lề đường, sau đó nhanh chóng cho khách lên xe và xuất phát. Ngoài ra, hàng loạt xe chạy tuyến cố định nhưng lại núp bóng xe hợp đồng từ các tỉnh miền Tây, miền Trung… đến các điểm chợ Bến Thành, Đầm Sen... với lý do đi du lịch, cũng như tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y Dược... với lý do khám, chữa bệnh.
Tại khu vực các tuyến đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão quận 1 mỗi ngày có hàng chục xe du lịch “open tour” công khai dừng, đón trả khách giữa đường gây mất an toàn giao thông. Tương tự, trên các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Ký Con (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), các xe khách Hoa Mai, Thiên Phú... vẫn vô tư dừng, đậu dưới lòng đường đón trả khách. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều xe luôn bật chế độ đèn xi nhan nên cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Tại tuyến đường Lê Hồng Phong (nằm giữa quận 5 và quận 10), lâu nay được coi là “thủ phủ” của các DN vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Trên một đoạn đường chưa đầy 500m, có cả chục trụ sở, văn phòng của các hãng vận tải gồm: Thành Bưởi, Quang Hạnh, Phương Trang, Tân Hoàng Anh...
Dịp cuối năm, nhu cầu về quê của người dân tăng mạnh. Nắm được nhu cầu này, nhiều loại xe chở khách thường không vào bến mà tùy tiện dừng đậu, đón trả khách lấn chiếm phần đường gây ùn tắc giao thông. Dù dưới danh nghĩa xe du lịch lữ hành, có phù hiệu xe hợp đồng hay dán mác xe “open tour” đi nữa thì chỉ cần ra một trong các địa chỉ nói trên, mua vé không khác gì như các bến xe.
Dưới danh nghĩa xe hợp đồng, xe du lịch, các DN vận tải này chở khách chạy tuyến cố định mà không cần đăng ký khai thác bến, lập điểm đón trả khách ngay trong nội đô gây ùn tắc giao thông. Để đối phó với các lực lượng chức năng, nhiều xe dù trưng bảng “khách du lịch, chạy hợp đồng, đưa rước công nhân viên…”. Khi đã đón được khách lên xe thì nhà xe “hét” giá cao hơn so với giá vé được bán trong bến. Hiện trên địa bàn TP có nhiều DN lợi dụng hình thức du lịch lữ hành hoặc hoạt động theo hình thức hợp đồng để đón, trả khách như xe khách tuyến cố định.
Những đơn vị này cho rằng, chưa có một văn bản chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền cấm xe khách chở khách hợp đồng, chở khách du lịch. Chính vì thế, các xe du lịch, xe hợp đồng, những doanh nghiệp lữ hành vô tư “núp bóng” xe hợp đồng, xe du lịch để bán vé, đón khách mà không cần phải đăng ký khai thác tại các bến xe.
Về bản chất, đây là hoạt động xe “dù” nhưng các DN đã lợi dụng hình thức du lịch lữ hành để lách luật, làm rối lực lượng kiểm tra, xử phạt. UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT giải thích rõ thế nào là “xe dù, bến cóc” để chấn chỉnh các hình thức hoạt động trá hình trên. Ngoài ra, UBND TP cũng đề nghị bổ sung biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các vi phạm về đón, trả khách.
Q.Hùng - Th.Bình