Xin đừng tận diệt thú rừng

Theo Thông tư số 47 của Bộ NN-PTNT từ ngày 9-11-2012, cho phép khai thác 160 loài thú rừng để phục vụ thương mại. Lý do để ban hành thông tư này là nhằm thiết lập quy định pháp lý để đưa việc khai thác từ tự nhiên vào khuôn khổ, đồng thời lấp khoảng trống chế tài xử lý các vi phạm đang diễn ra. Tuy nhiên, nhiều nhà động vật học cho rằng, thông tư có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy và gây khó khăn trong việc bảo vệ động vật hoang dã.
Xin đừng tận diệt thú rừng

Theo Thông tư số 47 của Bộ NN-PTNT từ ngày 9-11-2012, cho phép khai thác 160 loài thú rừng để phục vụ thương mại. Lý do để ban hành thông tư này là nhằm thiết lập quy định pháp lý để đưa việc khai thác từ tự nhiên vào khuôn khổ, đồng thời lấp khoảng trống chế tài xử lý các vi phạm đang diễn ra. Tuy nhiên, nhiều nhà động vật học cho rằng, thông tư có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy và gây khó khăn trong việc bảo vệ động vật hoang dã.

Cảnh mua bán động vật trong tự nhiên tại trung tâm TPHCM.

Cảnh mua bán động vật trong tự nhiên tại trung tâm TPHCM.

Thực tế hiện nay, dù Thông tư 47 chưa có hiệu lực, nhưng việc săn bắt, tận diệt thú rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh việc chứng tỏ đẳng cấp của các đại gia lắm tiền nhiều của, những đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh thần kỳ đã dẫn đến tình trạng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm (trong đó có cả những loài trong sách đỏ) đang bị tận diệt để làm đồ trang trí, ngâm rượu, nấu cao hoặc đưa lên bàn tiệc.

Ở nhiều tỉnh miền Trung, trước đây loài voọc ít ai để ý, gần đây người ta đồn rằng voọc là thuốc quý để chữa bệnh và nếu ăn sống một vài bộ phận thì càng bổ hơn, vì vậy người ta đã đổ xô đi bẫy voọc. Có người, mỗi ngày đặt đến 300 – 500 bẫy. Có đàn voọc hàng chục con đều bị dính bẫy. Cùng với voọc, loài gấu cũng bị săn lùng ráo riết để lấy tay, lấy mật và hậu quả là hiện nay gấu hoang dã không còn bao nhiêu.

Đối với loài voi, năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch “Hành động khẩn trương để bảo tồn đàn voi ở Việt Nam” cho ba tỉnh: Nghệ An, Đồng Nai, Đắk Lắk. Không biết kế hoạch được thực hiện khẩn trương như thế nào, nhưng đến nay số lượng voi ở các tỉnh này giảm đáng kể. Đắk Lắk, năm 1980 đàn voi nhà có 502 con, đến năm 2007 còn 64 con và tháng 9-2012 còn 51 con. Còn voi rừng ước tính có 10 đàn, khoảng 110 con, chỉ trong 3 năm đã phát hiện có 14 con bị giết hại.

Điển hình cho sự tận diệt thú rừng phải kể đến khu vực vườn quốc gia Yok Đôn, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ở đây các loài động vật hoang dã ngày đêm bị xẻ thịt. Nhiều loài, nhất là động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt vô tội vạ để làm đồ trang trí, trang sức, các món nhậu.

Trong lúc chưa được phép khai thác, nhưng các loài động vật hoang dã đang bị tận diệt và nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu Thông tư 47 của Bộ NN-PTNT về việc cho phép khai thác 160 loài thú rừng để phục vụ thương mại có hiệu lực mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ thì tương lai không xa, rừng Việt Nam sẽ không còn các loài thú thông thường, đừng nói chi các loài quý hiếm có trong sách đỏ.

Trần Minh Thi


Ngăn chặn động vật quý hiếm bị sát hại

Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ vận chuyển xác cọp. Trước đó đã liên tục xảy ra các vụ sát hại voi. Mới hồi đầu tháng 10, một con bò tót tại Vườn quốc gia Cát Tiên bị giết xẻ thịt. Đó đều là những động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Hồi tháng 9, tại xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, một cá sấu xiêm được coi là con cuối cùng ở nước ta đã chết do bị bẫy bằng dây thép siết vào cổ.

Trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 100 con cá sấu xiêm, đây là loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Năm ngoái, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, con tê giác một sừng tại Việt Nam cũng đã bị giết. Cách nay vài tháng, con voọc chà vá chân xám (thuộc nhóm 1B là động vật rừng quý hiếm) đang mang thai cũng bị hành hạ dã man trước khi bị giết hại.

Không thể để những loài động vật quý hiếm cứ dần dần chết dưới tay những kẻ săn trộm. Động vật quý hiếm là nguồn tài sản thiên nhiên vô giá, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt để có thể duy trì, thoát khỏi hiểm họa bị tuyệt chủng. Hiện nay ở nước ta và một số nước trong khu vực đang có một xu hướng tiêu dùng rất đáng lên án: tìm mua những động vật quý hiếm để chế biến thành những món ăn, bài thuốc, được đồn đại rất công hiệu nên nhiều người sẵn sàng mua giá đắt. Thế nên nhiều động vật quý hiếm bị đưa vào tầm ngắm. Vì đồng tiền, những tay săn trộm táng tận lương tâm đã bất chấp pháp luật, ráo riết săn lùng và sát hại động vật quý hiếm.

Đã có rất nhiều đối tượng giết hại, mua bán và vận chuyển trái phép động vật quý hiếm bị bắt và phạt tù. Thế nhưng vẫn chưa đủ tác dụng răn đe. Do vậy, cần xử phạt nghiêm đối với kẻ săn trộm cũng như người tiêu thụ động vật quý hiếm, đồng thời các lực lượng chức năng cần phải thường xuyên tuần tra ngăn chặn đối với hành vi săn trộm trong khu bảo tồn, vườn quốc gia. Cũng cần quan tâm tuyên truyền trong cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ động vật quý hiếm.

Sơn Việt

Tin cùng chuyên mục