Chợ tạm Phú Mỹ được hình thành năm 2005 trên cơ sở di dời các hộ buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường ở chân cầu Phú Xuân (cách đó khoảng 1km). Mặt bằng chợ vốn là khu đất trống thuộc Dự án nhà ở của Nhà máy X 51 hải quân được UBND phường Phú Mỹ thuê lại.
Ban đầu chợ chỉ có vài chục tiểu thương nhưng dần dần lên đến hơn 100. Đến đầu tháng 8-2011, chợ tạm Phú Mỹ chính thức bị giải tỏa để trả lại mặt bằng cho Nhà máy X 51. Những hộ có hộ khẩu thường trú tại quận 7 (khoảng 40 hộ) được hỗ trợ một phần trong việc thuê sạp tại một vài chợ khác của quận. Nhưng những hộ đến từ các địa phương khác không có điều kiện thuê sạp, sau giải tỏa lại quay về, tụ lại hai bên đường Phạm Hữu Lầu gần đó để họp chợ.
Việc xóa chợ lề đường gây mất mỹ quan đô thị, gây cản trở giao thông là cần thiết, cần làm kiên quyết. Tuy nhiên, nhiều người do khó khăn, còn bám lề đường để mưu sinh, nên rất cần chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm hướng giải quyết thỏa đáng hơn. Những hộ có hộ khẩu ở nơi khác thì có thể liên hệ với chính quyền nơi đó hỗ trợ tìm hướng giải quyết.
T.Phúc
Tìm kế mưu sinh cho người chiếm dụng vỉa hè
Việc không thể chấm dứt hoàn toàn nạn chiếm dụng vỉa hè có nhiều lý do. Trước hết, vỉa hè là nơi kiếm sống của nhiều người. Muốn chấm dứt việc lấn chiếm mua bán, gửi xe phải tìm kế mưu sinh khác cho người chiếm dụng. Đó mới là bài toán then chốt cần giải quyết. Vì cái đích cuối cùng của việc lấn chiếm vỉa hè là mưu sinh. Do đó, có dẹp ở đây thì cũng mọc ở chỗ khác, cấm ngày nay thì ngày mai bán mà càng phải bán nhiều hơn để bù lại ngày hôm qua. TPHCM với số lượng dân nhập cư lớn và nhiều thành phần nên buôn bán trên vỉa hè là cách mà nhiều người chọn.
Thứ hai phải kể đến là thói quen mua hàng lề đường của cư dân thành thị. Rẻ, tiện là ưu điểm của nhiều mặt hàng lề đường. Có cầu thì có cung. Khi nào người dân hết “sà” vào lề đường ăn, uống, mua, gửi xe… thì tự khắc vỉa hè sẽ được trả lại.
Thứ ba là thiếu đồng bộ, thiếu phương án lâu dài trong việc xử lý nạn chiếm dụng vỉa hè. Sự quyết liệt xử lý phải lâu dài và đồng bộ ở nhiều nơi. Chứ chỉ một thời gian ngắn, một vài địa điểm thì khó lòng mà diệt tận gốc căn bệnh kinh niên này.
Chiếm dụng vỉa hè nhìn từ một góc độ khác là lợi ích không hợp pháp của một số người làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của những người còn lại. Theo thời gian, vấn đề mưu sinh, thói quen đã làm lợi ích không hợp pháp vượt lên. Thêm vào đó là sự bao che, thỏa thuận, thông cảm của nhiều người nên chiếm dụng vỉa hè mới tràn lan đến như vậy. Giải quyết tận gốc vấn đề chiếm dụng vỉa hè là một chuyện đáng mừng nhưng cần đi đôi với việc giải quyết công ăn việc làm cho những người chiếm dụng. Đó mới là phương thuốc hữu hiệu và không có “phản ứng phụ”.
Ngọc Hóa
Cần một nếp sống văn minh đô thị
Hàng năm, nhà nước đã phải chi hàng tỷ đồng để lót gạch vỉa hè, chỉnh trang làm sạch môi trường, tô đẹp thêm cho các thành phố. Tuy nhiên có tới 85% số vỉa hè đã bị người dân buôn bán, tiểu thương, các hàng rong, xe đẩy, các tụ điểm giữ xe tự phát lấn chiếm để sử dụng vào mục đích riêng. Thậm chí nhiều hộ kinh doanh và những người bán hàng lưu động ban đêm giày dép, quần áo, thú nhồi bông… còn câu móc điện, đóng đinh chăng móc vào các gốc cây, dây điện thòng xuống vỉa hè khiến lối đi không còn an toàn cho người đi lại trên vỉa hè.
Điều đáng nói hơn, một số hộ kinh doanh ăn uống còn mang cả bếp than, bếp lò ra nướng thịt ở vỉa hè khói bay mù mịt. Một số tiệm làm nghề uốn tóc, massage, hàng ngày giặt khăn mặt, gối đầu đem phơi trên vỉa hè một đoạn dài, trông nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường.
Thiết nghĩ, văn minh đô thị phải bắt đầu từ ý thức tự giác của mọi người dân, bất kể lứa tuổi nào, ở đâu, làm gì đều phải chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, cũng như những quy định của nhà nước. Tất cả mọi người chúng ta ai ai cũng tự giác, có ý thức chấp hành luật pháp thì xã hội sẽ không phải tốn nhiều tiền của công sức để cải tạo môi trường.
Đỗ Thông