Cho phép đa quốc tịch

Xu hướng hội nhập

Giống như một số quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, nước ta áp dụng “nguyên tắc một quốc tịch” đối với công dân của mình. Điều này được Luật Quốc tịch Việt Nam (CHXHCNVN)1998 nêu rõ tại Điều 3 “Nhà nước CHXHCNVN công nhận công dân VN có một quốc tịch VN”.

Tinh thần một quốc tịch còn được nhấn mạnh trong quy định về hạn chế tình trạng hai hoặc nhiều quốc tịch khi các cơ quan thẩm quyền ký kết với nước ngoài các điều ước quốc tế (Điều 41). Thực tế cho thấy, không ít trường hợp công dân VN sau thời gian sinh sống, định cư ở nước ngoài đã gia nhập quốc tịch của quốc gia sở tại mà không bị buộc thôi quốc tịch VN. Theo đó, họ là người mang hai quốc tịch, sử dụng hai hộ chiếu - hộ chiếu VN và hộ chiếu nước ngoài. Cho nên những trường hợp tuy đã nhập tịch nước ngoài nhưng vẫn công nhận có quốc tịch VN thì không có gì là sai cả. Trên thế giới hiện nhiều quốc gia đang chấp nhận chế độ song tịch, đa tịch như Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Canada, Hoa Kỳ (quốc gia có nhiều bà con Việt kiều ta sinh sống nhất).

Trở lại luật của ta, tuy áp dụng nguyên tắc một quốc tịch, song quy định này thực chất đã không khả thi. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà việc xác định quốc tịch VN đối những công dân VN ở nước ngoài trở nên dễ dàng. Số lượng Việt kiều đang mang hai hộ chiếu không nhiều, thường chỉ có ở các trường hợp xuất cảnh hợp pháp sau này, còn lại phần lớn là những người xuất cảnh cách đây trên dưới 30 năm, thuộc diện không hợp pháp cộng thêm với việc đã nhập quốc tịch nước ngoài.

Với những người thuộc diện thứ 2 này, mặc dù luật hiện hành vẫn xem họ còn quốc tịch VN nhưng do không hiểu rõ nguyên tắc một quốc tịch, lại thêm các giấy tờ tùy thân hầu như không còn, rồi thủ tục xin cấp giấy xác nhận có quốc tịch VN tương đối phức tạp, khiến họ cũng không xác định họ có còn quốc tịch VN hay không? Kéo theo là hàng loạt những vấn đề nảy sinh, các lãnh sự VN ở nước ngoài không thống kê, kiểm soát được công dân của nước mình, ngược lại những người này cũng không được Nhà nước VN bảo hộ về pháp lý.

Bởi vậy, việc dự thảo lần này bỏ nguyên tắc một quốc tịch, và quy định rõ: “Người VN định cư ở nước ngoài mà chưa được thôi, chưa bị tước quốc tịch VN hoặc chưa bị mất quốc tịch VN theo điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên, thì vẫn là người có quốc tịch VN” không chỉ giải quyết những khúc mắc về mặt lý luận, mà còn chấm dứt những hiểu lầm không đáng có của bà con Việt kiều về vấn đề quốc tịch. Thêm nữa một lộ trình là 5 năm, cho những trường hợp trên được đăng ký quốc tịch VN cũng là điểm mới và hợp lý của dự thảo lần này. Ngoài ra, dự thảo còn đề cập cả trường hợp công dân VN đã xin thôi quốc tịch nay xin trở lại quốc tịch VN, nếu có lý do chính đáng và được Chủ tịch nước cho phép, thì được giữ quốc tịch nước ngoài. Dự thảo cũng đã mở rộng thêm một số trường hợp người nước ngoài không phải từ bỏ quốc tịch của mình khi nhập tịch VN, theo chúng tôi là không quá “cứng nhắc” như trước đây.

Chúng tôi cho rằng điều cần làm bây giờ là nhanh thông qua dự thảo, đồng thời các văn bản hướng dẫn về quốc tịch sau này cũng phải rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng tồn tại những quy định thiếu nhất quán như suốt 10 năm qua. Bởi vấn đề quốc tịch không chỉ gắn liền với quyền và nghĩa vụ của cá nhân người mang quốc tịch mà còn là một chính sách lớn của cả một dân tộc đối với hơn 3 triệu đồng bào ở nước ngoài.

Luật sư TRỊNH THANH
(Trưởng Văn phòng luật sư người nghèo)

Tin cùng chuyên mục