Qua báo chí, dư luận hoan nghênh kỳ họp thứ 33 Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận và công bố gần 30 vụ việc gây bức xúc. Mọi người cho rằng Đảng và Nhà nước đã thấy được những hạn chế: tham nhũng chưa được đẩy lùi, khiếu kiện không giảm, lòng tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân giảm sút do một phần lớn cán bộ, nhất là người đứng đầu gây ra.
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, tình hình tham nhũng năm 2010 tuy có giảm nhưng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi hơn. Trong đó nổi bật là tham nhũng trong quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài sản công, thuế… Rải rác, ở tỉnh nào cũng có, người đứng đầu quận, huyện, tỉnh dính vào việc chia chác đất đai, dự án như Đồ Sơn (Hải Phòng), Tiền Giang, Đồng Tháp… gây khiếu kiện trong dân kéo dài.
Nghị định về quy định trách nhiệm người đứng đầu ban hành từ năm 2007 đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để đơn vị, cán bộ xảy ra tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực quản lý (ngân sách nhà nước, dự án…) nhưng thực tế khi sự việc xảy ra lại lúng túng không quy trách nhiệm được, không xử lý được ai.
Lý do không xử được thường bị đổ cho chưa có quy chế, rồi đề nghị cho cơ chế. Việc kiểm điểm, báo cáo cũng làm không tới nơi tới chốn. Có vụ, Ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc nhưng cũng chỉ trông chờ sự tự giác của cơ sở, cách xử lý còn cả nể, lúng túng, không cương quyết, hoặc xử lý không nghiêm, nương nhẹ.
Ở Tiền Giang, người đứng đầu tỉnh trước đây không chỉ thiếu trách nhiệm, quan liêu mà còn lợi dụng chức vụ để đặc quyền (mua nhà theo NĐ 61), bao che cho người thân, can thiệp pháp luật nhưng không bị xử lý kỷ luật, UBKT Trung ương chỉ nhất trí “đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang xem xét xử lý Ban Cán sự Đảng và một số cán bộ chủ chốt” - Báo SGGP ngày 16-10-2010. Nhiều nơi, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, chia chác đất đai, nhưng khi xử lý thì cho về hưu là xong.
Trong gần 30 vụ việc công bố kỷ luật của UBKT Trung ương không thấy vụ nào cách chức, miễn nhiệm, chỉ có “đề nghị không đưa vào danh sách cấp ủy mới”, rất ít trường hợp cảnh cáo mà phổ biến là khiển trách, “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Xử lý kiểu nương nhẹ và không nghiêm như thế không có tính răn đe, gây so bì, để sai sót kéo dài. Vi phạm trách nhiệm thì phải xử lý. Người đứng đầu dính sai phạm thì có thể xử lý hình sự, đừng để trách nhiệm chỉ có dân “trách”, không ai “nhiệm”.
Cao Phi Yến