Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung lần này có đề nghị đưa vào luật một số hành vi phạm tội mới phát sinh trong thời gian gần đây, trong đó đáng chú ý là bổ sung tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của doanh nghiệp. Theo tôi, xử lý pháp luật đối với hành vi vi phạm đó là việc làm cần thiết và phù hợp trong tình hình hiện nay.
Có thể thấy trong vài năm trở lại đây các doanh nghiệp trốn đóng tiền BHXH, BHYT có lúc lên đến hàng trăm tỷ đồng. Khi doanh nghiệp trốn đóng (nợ tiền) BHXH, BHYT thì quyền và lợi ích hợp pháp của đa số người lao động trong doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi rất nhiều vì không được cơ quan BHXH giải quyết quyền lợi và chế độ như xác nhận (chốt sổ) khi nghỉ việc hoặc cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Thậm chí, trong thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tài chính nhưng cố tình trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, chỉ đến khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và sử dụng biện pháp mạnh như xử phạt hành chính hoặc khởi kiện ra tòa án thì lúc đó doanh nghiệp mới chịu thực hiện đóng các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Do vậy, đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động trong doanh nghiệp, thì việc bổ sung vào Bộ luật Hình sự sắp tới đây tội danh trốn đóng BHXH, BHYT là điều cần thiết phải làm.
Qua thực tiễn làm việc cho một doanh nghiệp lớn và phụ trách các chế độ BHXH cho người lao động trong nhiều năm nay, tôi cho rằng không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cố tình trốn đóng các chế độ về BHXH, BHYT. Đối với các doanh nghiệp hoạt động và làm ăn chân chính, việc trích nộp các chế độ về BHXH, BHYT cho người lao động là việc làm đương nhiên, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính bản thân doanh nghiệp đối với xã hội. Nhưng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng hoạt động thuận lợi, mà có những lúc lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, thậm chí là sống dở chết dở, trong khi đó số tiền đóng BHXH, BHYT hàng tháng của doanh nghiệp là hàng tỷ đồng, do đó việc chậm đóng hoặc nợ đọng tiền BHXH, BHYT đối với cơ quan BHXH vài ba tháng cũng là điều làm cho doanh nghiệp hết sức “đau đầu”. Bản thân doanh nghiệp phải chịu phạt về tiền lãi suất cho tổng số tiền chậm đóng, đương nhiên hành vi chậm đóng hay trốn nộp BHXH, BHYT hiện nay đều bị xem là hành vi nghiêm cấm theo quy định của Luật BHXH hiện hành.
Do vậy, theo tôi, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để trình Quốc hội thảo luận trong thời gian sắp tới, cần định nghĩa tách bạch và quy định rõ ràng trong dự án luật như thế nào là hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, để xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc thực hiện các chế độ, quyền lợi cho người lao động. Và có phân biệt với hành vi chậm đóng, nợ tiền BHXH, BHYT của doanh nghiệp do khó khăn hoặc sự kiện bất khả kháng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN
(Quận 5, TPHCM)