Xuất khẩu hàng điện tử Hàn Quốc gặp khó

Với việc xuất khẩu chất bán dẫn, màn hình và thiết bị điện tử giảm mạnh trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều lo ngại rằng ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc đang mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc
Một công ty sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc

Theo trang mạng Hàn Quốc Business Korea, ngày càng có nhiều lo ngại rằng điện thoại thông minh, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc, đang mất khả năng cạnh tranh với iPhone của Apple và các mẫu điện thoại thông minh giá rẻ từ Trung Quốc. Tất nhiên, Samsung Electronics vẫn đứng đầu thị trường về số lượng máy bán ra với thị phần lớn nhất thế giới (22%), tương đương 259,6 triệu điện thoại thông minh vào năm 2022. Nhưng nếu xét riêng với điện thoại thông minh iPhone 13 của Apple bán được 224,7 triệu chiếc cùng kỳ, gã khổng lồ điện thoại thông minh Hàn Quốc đang thua thế.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, mẫu điện thoại thông minh bán chạy nhất thế giới năm 2022 là iPhone 13, chiếm khoảng 5% tổng doanh số, và Galaxy A13 của Samsung chỉ đứng thứ 4 với 1,6% tổng doanh số điện thoại thông minh toàn cầu; trong khi đó Galaxy A03 ở vị trí thứ 10. Điều này cho thấy dòng Galaxy của Samsung đang mất dần thế mạnh là một thương hiệu smartphone cao cấp và bị đẩy vào thị trường smartphone giá rẻ.

Tuy nhiên, ở phân khúc giá rẻ, Samsung gặp phải các đối thủ “nặng ký” từ Trung Quốc. Chẳng hạn, Công ty sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Honor đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng trước cho điện thoại có thể gập lại mang tên Magic V2 tại Trung Quốc từ ngày 12-7. Magic V2 nặng 231gram và chỉ dày 9,9mm khi gập lại và dày 4,7mm khi mở ra, có giá 8.999 nhân dân tệ (1.264 USD), rẻ hơn so với Samsung Galaxy Z Fold 4 cùng chức năng, có giá khoảng 2 triệu won (1.560 USD).

Các công ty Hàn Quốc cũng đã thua các công ty Trung Quốc ở thị trường máy hút bụi và máy bay không người lái (drone). Samsung Electronics và LG Electronics đang bán máy hút bụi robot bằng cách tập trung vào bộ sưu tập Bespoke và Object, nhưng thị phần toàn cầu tương ứng của họ rất nhỏ. Trong khi Roborock đứng số 1 trên thị trường robot hút bụi Hàn Quốc và Ecovacs đứng đầu thị trường toàn cầu - cả hai đều là công ty Trung Quốc. Các công ty Hàn Quốc cũng đang chứng kiến một cuộc chiến khó khăn trên thị trường máy hút bụi không dây. Theo Công ty nghiên cứu thị trường ReportLinker, thị trường máy hút bụi không dây toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 6,73 tỷ USD năm 2022 lên 9,43 tỷ USD vào năm 2026.

Thị trường drone toàn cầu đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây cũng do các sản phẩm của Trung Quốc chiếm lĩnh, dự kiến sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD năm 2019 lên 42,8 tỷ USD vào năm 2025. Tính đến năm 2021, DJI của Trung Quốc đã thống trị thị trường drone dân sự toàn cầu với 76,0% thị phần, vượt xa Intel của Mỹ (4,1%) đứng thứ hai. Các công ty sản xuất drone của Hàn Quốc có doanh thu trung bình chỉ 2 tỷ won (1,56 triệu USD).

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, tình hình địa chính trị thế giới khiến các quốc gia phải vật lộn với giá cả cao hơn và tăng trưởng chậm hơn. Điều này gây thiệt hại cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu công nghiệp nói chung, nhưng tác động tới Hàn Quốc lớn hơn các nước khác. Theo bộ này, nếu tình hình xuất khẩu chất bán dẫn phục hồi, các sản phẩm điện tử xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ bớt khó khăn hơn.

Tin cùng chuyên mục