Bác sĩ tắc trách, chịu hậu quả pháp lý thế nào?

Trong thời gian qua, tại một số bệnh viện đã xảy ra nhiều trường hợp bác sĩ tắc trách trong quá trình làm việc, gây hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân. Bác sĩ có hành vi vi phạm có thể phải chịu những hậu quả pháp lý gì?

Hành vi tắc trách của bác sĩ là hành vi thực hiện công việc thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy định nghề nghiệp trong quá trình khám chữa bệnh. Bác sĩ có hành vi tắc trách trong quá trình thực hiện công việc có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, những hành vi tắc trách của bác sĩ có thể kể tới như: Không thực hiện hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề hoặc cơ sở khám chữa bệnh; không thực hiện hội chẩn khi đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi, vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh; không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở; không bảo đảm đầy đủ số lượng và chất lượng các phương tiện vận chuyển cấp cứu, thiết bị y tế, dụng cụ y tế và cơ số thuốc cấp cứu, vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh, gây ra tai biến cho người bệnh.

Mức phạt tiền 5 - 40 triệu đồng. Trong trường hợp bác sĩ vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 3 - 6 tháng. 

Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả gây ra cho bệnh nhân, bác sĩ có hành vi tắc trách trong quá trình hành nghề có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với một trong các tội danh như: tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, với mức phạt tù 1 - 12 năm (Điều 129); tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, với mức phạt tù lên đến 5 năm (Điều 139); tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với mức phạt tù lên đến 12 năm (Điều 360); tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác với mức phạt tù lên đến 15 năm và có thể phạt tiền tới 50 triệu đồng, cấm hành nghề lên tới 5 năm (Điều 315).

Nghề y là một nghề đòi hỏi chuyên môn cao và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong quá trình hành nghề, việc có sai phạm xảy ra hay không phải được xác định khách quan bằng những quy trình đặc thù. Điều 73 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 quy định, việc xác định người hành nghề có sai sót hay không là xác định của hội đồng chuyên môn. Điều 74 luật này cũng quy định về điều kiện để thành lập hội đồng chuyên môn là: khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

Hội đồng chuyên môn sẽ do người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh tự thành lập, hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập. Thành phần của hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp, các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám chữa bệnh, luật gia hoặc luật sư.

Trường hợp sau khi có kết quả xác định của hội đồng này về sai phạm, các bên tranh chấp vẫn không nhất trí, thì có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn. Kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục