Cái “thần”của Bác trong tranh

Nhiều năm nay, ở huyện biên giới Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, có một họa sĩ âm thầm vẽ 79 bức tranh về chân dung Bác Hồ.

Họa sĩ Võ Đồng Minh vẽ chân dung Bác
Họa sĩ Võ Đồng Minh vẽ chân dung Bác

Nhưng thật đáng quý khi ông thực hiện “công trình lớn nhất đời mình”  không phải để kinh doanh, mà để tặng cho đời. Đó là lão họa sĩ Võ Đồng Minh, năm nay 76 tuổi.

Khắc họa nhật ký chiến tranh

Họa sĩ Võ Đồng Minh tên thật là Nguyễn Văn Lắm, sinh năm 1942, quê ở tỉnh Long An. Năm 1950, khi còn là một cậu bé, ông đã theo cha mẹ lên Tây Ninh lập nghiệp. Mười năm sau, ông bắt đầu theo một họa sĩ ở huyện Hòa Thành để học vẽ. Sau đó ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Học được khoảng một năm thì nghỉ để tham gia hoạt động cách mạng. Với cây bút làm vũ khí, ông theo chân các chiến sĩ cách mạng, xông xáo khắp nơi trên chiến trường. Ông vẽ rất nhiều đề tài về kháng chiến.

Họa sĩ Võ Đồng Minh, mở thùng sắt lấy ra khoảng 10 quyển tập tranh cho tôi xem. Mỗi tập chứa hơn 100 tranh biếm họa. Đây là những tác phẩm được ông vẽ từ những năm kháng chiến chống Mỹ, thời thực dân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, đế quốc Mỹ xua quân chiến trường Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm là tay sai, Mỹ dùng vũ lực để chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam- Bắc, bộ đội chống xuồng qua sông...

Tranh ông vẽ rất sống động, hóm hỉnh, lột trần được bản chất xâm lược của kẻ thù và bọn tay sai bán nước, nhưng toát lên không khí kháng chiến mạnh mẽ của quân và dân ta. Nếu là một người không biết chữ, chỉ cần nhìn tranh của ông cũng đủ hiểu khái quát về lịch sử chiến tranh của dân tộc ta. Có thể nói, đây là một quyển Nhật ký chiến tranh bằng tranh biếm họa vô cùng hiếm hoi và quý giá.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, họa sĩ Võ Đồng Minh được giữ chức Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tân Biên. Sau đó, ông chuyển về công tác ở Bảo tàng Tây Ninh và chuyển sang làm Phó chánh văn phòng Huyện ủy Tân Biên.

Khoảng thời gian này, họa sĩ vẫn tiếp tục vẽ biếm họa phê phán những tệ nạn xã hội mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhiều tranh của ông đã được đăng tải trên một số tờ báo với bút danh Võ Đồng Minh, Nguyễn Đông Minh. Ông từng được giải thưởng tại cuộc thi vẽ tranh cổ động và biếm họa toàn quốc năm 1996.

Thể hiện lòng kính yêu Bác

Nhận thấy công việc ở cơ quan quá bận rộn, không được rảnh rỗi để vẽ, năm 1996, họa sĩ xin được nghỉ hưu sớm để dành thời gian cho sự nghiệp sáng tác. Bên cạnh việc tiếp tục vẽ phản ánh những vấn đề thời sự, ông tập trung vẽ chân dung các vị lãnh tụ mà ông kính yêu, như Các Mác, Lê Nin, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vẽ những phong cảnh đẹp mà ông yêu thích, đặc biệt là ông bắt đầu sưu tầm hình ảnh của Bác Hồ trên sách, báo để vẽ lại bằng bút sắt.

Năm 2007, sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu chuyển sang một trang mới, khi Bộ chính trị phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân, trong đầu ông liền hình thành ý tưởng thực hiện một “công trình lớn nhất cuộc đời mình”. Đó là vẽ 79 bức tranh về chân dung Bác Hồ trên giấy Ro-ki, khổ giấy lớn 80cm x 110cm và bằng chất liệu bút sắt- một trong những phương pháp khó nhất của hội họa, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người. Thế là ông mua vật tư, vật liệu về và bắt tay vào vẽ.

Họa sĩ Võ Đồng Minh chia sẻ: “Vẽ được một bức chân dung Bác hoàn chỉnh, phải mất từ 2-3 tháng. Sở dĩ tôi chọn phương pháp bút sắt để vẽ chân dung Bác là vì chất liệu bút sắt được lâu bền hơn so với những chất liệu khác, qua đó muốn thể hiện tình cảm sâu nặng của đứa con miền Nam với Bác Hồ muôn vàn kính yêu”. Điều mà lão họa sĩ này tiếc nuối nhất cuộc đời là chưa lần nào được gặp Bác để vẽ chân dung Bác theo góc nhìn riêng của mình. “Hồi còn đi kháng chiến, nghe tin Bác sắp vào miền Nam, tôi mừng lắm, ngày đêm nôn nao mong được gặp Bác, nhưng Bác chưa kịp vào thăm thì đã vĩnh viễn ra đi”.

Theo họa sĩ Võ Đồng Minh, vẽ chân dung Bác là khó nhất, vì Bác là lãnh tụ cả nước, là cha già của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới, vì vậy vẽ Bác phải làm sao toát lên được cái “thần” trong bức tranh. Điều khiến tôi bất ngờ nhất là ông không có ý định bán những bức ảnh chân dung Bác để lấy tiền sinh sống, mà ông sẽ hiến tặng toàn bộ công trình này cho Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch để làm tư liệu hoặc trưng bày triển lãm cho nhiều người cùng xem.

Để có sức khỏe tốt, ngoài việc bỏ rượu, bia, ông còn đoạn tuyệt với thuốc lá và hàng ngày vào mỗi buổi sáng, ông đều đặn tập thể dục bằng cách đi bộ trên quãng đường dài 3km. Hàng đêm, ông chỉ ngủ đến 2 giờ khuya là thức dậy, ngồi vào giá vẽ. Buổi trưa, cơm nước xong, ông cũng không ngả lưng, chợp mắt, mà lấy giấy viết ra, cặm cụi vào công việc của mình.

Với những cống hiến không mệt mỏi trên con đường nghệ thuật, năm 2012, họa sĩ Võ Đồng Minh là một trong 16 người vinh dự được UBND tỉnh Tây Ninh trao tặng Giải thưởng Văn học Xuân Hồng lần thứ I.

Tin cùng chuyên mục