Kỷ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Còn mãi những ký ức hào hùng

Nhân kỷ niệm 65 năm Quốc khánh 2-9, Báo SGGP đã ghi lại cảm xúc của những người từng chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng, về cảm xúc của công dân nước Việt Nam được tự do, thoát khỏi ách đô hộ thực dân phong kiến.

  • Ông Mai Vy, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT: Ngày đất nước thăng hoa

Vào những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tôi vừa vượt ngục từ nhà tù Sơn La về công tác tại ban cán sự tỉnh Hà Đông. Công việc của chúng tôi lúc đó là tuyên truyền, tập hợp quần chúng vào các tổ chức Cứu quốc để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy những ngày đó thật kỳ lạ, khi vận nước đã đến, mọi hành động cách mạng đều thành công tốt đẹp. Chúng tôi đi đến đâu cũng được người dân ủng hộ, tất cả đều sục sôi tinh thần cách mạng. Những ngày tổng khởi nghĩa thực sự là những ngày đất nước thăng hoa, con người thăng hoa.

Tôi còn nhớ, tỉnh Hà Đông tổ chức cướp chính quyền muộn hơn TP Hà Nội, vào ngày 23-8. Ngày đó, chúng tôi là những thanh niên trẻ ngoài 20 tuổi hoàn toàn tự tin với vai trò người làm chủ đất nước, say sưa với lý tưởng, không hề vướng bận chút nỗi niềm riêng tư nào, chỉ nghĩ về công việc, về cái chung. Ngay sau khi cách mạng thành công, chúng tôi bắt tay ngay vào củng cố lực lượng, thực hiện 3 nhiệm vụ diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm như lời Bác Hồ kêu gọi. Chính hào khí Cách mạng Tháng Tám đã củng cố niềm tin, nhuệ khí cho thế hệ chúng tôi vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác đi đến thắng lợi cuối cùng.

  • Thiếu tướng Bùi Nam Hà, nguyên Phó Tổng Thanh tra Quân đội Nhân dân Việt Nam: Nhớ mãi giây phút thiêng liêng ấy…

Tôi xuất thân là thanh niên Hà Nội, trưởng thành từ tổ chức Thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu của Mặt trận Việt Minh. Tôi trực tiếp tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19-8 tại Hà Nội và có mặt trong đoàn quân Việt Minh tiến về giải phóng trại Bảo An Binh thủ đô năm 1945. Ngày 2-9-1945, đơn vị tôi và Đoàn Giải phóng quân Việt Bắc về thủ đô vinh dự được tham gia bảo vệ Kỳ đài nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đứng dưới kỳ đài, tôi như nuốt từng lời Bác đọc. Lời Tuyên ngôn của Bác hết sức thiêng liêng, cao quý. Mỗi lời của Bác đều lắng sâu trong tâm trí mọi người. Chứng kiến giây phút lịch sử ấy, dù 65 năm đã trôi qua nhưng đến nay, niềm xúc động, tự hào vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cũng như bao người dân Việt Nam khác. Không thể tả xiết niềm vui của người dân Việt Nam khi lần đầu tiên được hưởng không khí độc lập, tự do, thực sự thoát khỏi đêm dài nô lệ. Trong niềm vui vô bờ ấy, người dân Việt Nam càng thấm thía cái giá phải trả cho ngày độc lập tự do và tâm niệm quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc…

Hôm nay, đã ngoài 80 tuổi, nhớ lại ngày Tết Độc lập của dân tộc, tôi thấy mình như trẻ lại. Kể từ sau ngày nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, lớp lớp thanh niên chúng tôi xếp bút nghiên lên đường chiến đấu để quyết tâm bảo vệ cho được nền độc lập dân tộc. Tôi may mắn được đi qua hai cuộc kháng chiến, tận mắt chứng kiến đất nước thống nhất liền một dải non sông và từng ngày thay da đổi thịt. Tôi tin thế hệ trẻ hôm nay sống xứng đáng với thế hệ đi trước, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự phồn vinh của đất nước.

  • Bà Nguyễn Thị Hoài, cán bộ tiền khởi nghĩa: Hiểu được giá trị của tự do

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là những ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 và ngày độc lập 2-9-1945. Tôi vẫn còn nhớ như in sáng ngày 21-8-1945, tại đình làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội, cán bộ và nhân dân xã tổ chức một cuộc mít tinh lớn với hàng ngàn quần chúng tham gia. Tại đây, đồng chí Hoàng Tùng, cán bộ trung ương tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Nhân dân vui sướng tột cùng bởi từ đây Thượng Cát đã có Đảng, có chính quyền lãnh đạo sau khi đã trải qua thời kỳ chịu bao khổ cực do sự kìm kẹp đàn áp của chế độ cũ. Lớp thanh niên chúng tôi bấy giờ phấn khởi hò reo rủ nhau đi biểu tình. Cứ chiều chiều, chúng tôi lại rủ nhau đeo kiếm ra cửa đình làng tập quân sự, trong túi mỗi người lúc nào cũng có 3 bài hát Tiến quân ca, Diệt phát xít và Cùng nhau đi hồng binh.

Là người đã từng chứng kiến và trải qua những thời khắc lịch sử của đất nước, của dân tộc, tôi hiểu sâu sắc giá trị của độc lập tự do mà nhân dân ta phải trả bao xương máu mới giành được. Tôi mong muốn các bạn trẻ hãy ghi nhớ công lao xương máu của bao thế hệ cha anh, hãy tự hào về truyền thống của dân tộc, tích cực tu dưỡng rèn luyện để xứng đáng là con Lạc cháu Hồng, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bích Quyên - Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục