Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam

Minh bạch, liêm chính và trách nhiệm

Tham nhũng nhiều, phát hiện ít
Minh bạch, liêm chính và trách nhiệm

Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức với việc đưa ra ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người…

Hồ Đức An (cán bộ kỹ thuật xây dựng của Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long, thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) bị bắt về hành vi nhận hối lộ.

Hồ Đức An (cán bộ kỹ thuật xây dựng của Xí nghiệp Chăn nuôi heo Phước Long, thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) bị bắt về hành vi nhận hối lộ.

Tham nhũng nhiều, phát hiện ít

Để nói lên đúng thực chất của tình hình tham nhũng hiện nay, ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), dẫn từ Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) được các tổ chức quốc tế đánh giá: từ năm 2001 đến nay Việt Nam đạt cao nhất là 31/100 điểm (năm 2012). Đến thời điểm đánh giá của năm 2012, Việt Nam đứng thứ 123/174 quốc gia. Kết quả này theo ông Hùng là đúng với đánh giá của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) ban hành năm 2006: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ…”.

Thế nhưng, việc đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng thời gian qua được nhiều chuyên gia cho là ngày càng giảm, nhất là từ khi Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng vào năm 2005. Cụ thể, năm 2007 cả nước phát hiện và khởi tố 427 vụ án tham nhũng với 960 bị can thì các năm sau liên tục giảm, có năm (2010) chỉ còn 188 vụ với 373 bị can. Số vụ án tham nhũng bị đưa ra truy tố, xét xử từ năm 2007 đến nay cũng liên tục giảm, có năm giảm đến hơn 40% số vụ và số bị cáo.

Một nghịch lý khác được đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng đưa ra, đó là hiện nay cơ quan giám sát, phát hiện tham nhũng từ Trung ương đến các địa phương được tăng cường về con người, bộ máy tổ chức, phương tiện, trang bị… gấp gần 2 lần so với năm 2005. Thế nhưng, tham nhũng vẫn tăng và ngày càng tinh vi, phức tạp; trong khi số vụ phát hiện lại ngày một giảm. Trong đó, đáng chú ý là bộ máy phòng chống tham nhũng trong ngành thanh tra, công an, kiểm tra Đảng, kiểm toán… những năm qua phát hiện rất ít vụ tham nhũng. Công tác giám sát thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, hội đoàn, HĐND các cấp… được cho là rất ít, thậm chí có nhiều địa phương trong nhiều năm liền không đấu tranh, phát hiện được vụ tham nhũng nào.

“Vì một ngày mới không tham nhũng”

Đó là khẩu hiệu hành động mà VACI đưa ra trong năm 2013 với mục tiêu “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm, giảm tham nhũng”. Trong đó, yếu tố minh bạch được VACI đặt lên hàng đầu, vì đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, là giải pháp phòng chống tham nhũng mang tính chủ động, tích cực và là đòi hỏi của xã hội gắn liền với quyền được thông tin.

Theo một thành viên của VACI, hiện nay người dân đòi hỏi được thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác về tất cả những gì pháp luật không cấm về quản lý hành chính nhà nước. Mở rộng yếu tố này là cơ hội tốt nhất để người dân một mặt thực hiện quyền công dân của mình, một mặt nâng cao trách nhiệm giám sát các mặt hoạt động của cơ quan công quyền và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức được tốt nhất.

Mặt khác, các yếu tố về liêm chính trong hoạt động hàng ngày của các tổ chức ở khu vực công và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền và của người dân trong xã hội cũng được VACI xác định là công cụ hữu hiệu để giám sát, phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, yếu tố trách nhiệm của người dân trong khẩu hiệu hành động “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà các cấp chính quyền đưa ra phải được thực thi và phát huy đúng thực chất. Có như vậy, quá trình hoạch định và thực thi các chính sách có ảnh hưởng đến đời sống của người dân mới thực sự đi vào cuộc sống, mới phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực đang gia tăng trong bộ máy chính quyền hiện nay.

Khung pháp lý phòng, chống tham nhũng

- Công ước LHQ về chống tham nhũng (phê chuẩn năm 2009).

- Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012).

- Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

- Các văn bản dưới luật về phòng, chống tham nhũng.

- Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

- Chương trình hành động thực hiện Kết luận Trung ương 5 (khóa XI).

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục