Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

(SGGPO).- Một vấn đề quan trọng khác được cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý là việc rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đơn cử, cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội chỉ bao gồm hẹp trong phạm vi những vấn đề “có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” hay mở rộng ra mọi vấn đề như giải thích từ ngữ tại dự thảo Luật.

Sáng nay 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tạo lập cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã tăng thêm 1 chương, 16 điều, sửa đổi 17/18 điều, nội dung sửa đổi phù hợp với quan điểm, mục tiêu sửa đổi toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành.

Đáng lưu ý, về chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 4), cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung quy định chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, thực tế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân trong các lĩnh vực như tham gia tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tham gia xây dựng pháp luật; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia các hoạt động tố tụng; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước…

Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong cơ quan thẩm tra.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc bổ sung chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân” cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì cho rằng tính chất đại diện của Mặt trận là đại diện ở khía cạnh xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước. Hơn nữa, việc bổ sung nội dung này cũng là nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên”. Mặc dù vậy, loại ý kiến này cũng đề nghị cơ quan trình dự án cần tiếp tục rà soát quy định rõ hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc thể chế hóa quan điểm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân cần phải cân nhắc kỹ hơn. Bởi vì, để có chức năng đại diện của nhân dân, cần phải làm rõ cơ chế để nhân dân “ủy quyền” cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phương thức đại diện, phương thức bảo vệ như thế nào

Hơn nữa, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định công dân có rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng. Vậy theo các quy định của dự thảo Luật thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thể đại diện và bảo vệ được toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân hay không? Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa có các quy định cụ thể để làm rõ được chức năng bảo vệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Do đó, loại ý kiến này đề nghị giữ như quy định hiện hành là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.

Một vấn đề quan trọng khác được cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý là việc rà soát, làm rõ và quy định cụ thể hơn các nội dung về hoạt động giám sát, phản biện xã hội cho phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đơn cử, cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội chỉ bao gồm hẹp trong phạm vi những vấn đề “có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” hay mở rộng ra mọi vấn đề như giải thích từ ngữ tại dự thảo Luật.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục