Vô cảm trước bức xúc của dân là quan liêu

Nạn quan liêu, nhũng nhiễu, vô cảm với dân đang là nỗi bức xúc lớn của xã hội. Vì vậy, tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy TPHCM và Thường trực quận ủy, huyện ủy về cách làm, kinh nghiệm của quận ủy, huyện ủy trong lãnh đạo chính quyền giáo dục cán bộ công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm để khắc phục tình trạng này diễn ra vào sáng 16-8 đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu. Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chủ trì.

Nạn quan liêu, nhũng nhiễu, vô cảm với dân đang là nỗi bức xúc lớn của xã hội. Vì vậy, tại hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy TPHCM và Thường trực quận ủy, huyện ủy về cách làm, kinh nghiệm của quận ủy, huyện ủy trong lãnh đạo chính quyền giáo dục cán bộ công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm để khắc phục tình trạng này diễn ra vào sáng 16-8 đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu. Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chủ trì.

        Nhận diện tiêu cực

Báo cáo đề dẫn, Phó ban Dân vận Thành ủy TPHCM Võ Ngọc Châu nhìn nhận tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân vẫn còn nhiều. Chỉ ra một số biểu hiện của sự quan liêu, nhũng nhiễu, vô cảm của cán bộ, công chức, ông Châu cho rằng, nhiều nơi thiếu công khai cũng như không hướng dẫn cụ thể cho người dân khi làm thủ tục hành chính; thậm chí có cán bộ, công chức còn tự đặt những “luật”, “lệ” ngoài quy định để hành dân nhằm trục lợi. Các lĩnh vực nhũng nhiễu người dân nhiều là xây dựng, nhà đất, thuế, cấp phép kinh doanh, giải quyết hộ khẩu, bộ phận xử lý vi phạm hành chính, tuần tra kiểm soát giao thông… với biểu hiện tinh vi như tìm cách làm chậm hồ sơ giải quyết, hành dân đi lại nhiều lần, yêu cầu bổ sung hồ sơ ngoài quy định, có cán bộ đưa ra hẳn mức tiền nếu muốn giải quyết nhanh hồ sơ…

Trước cách đặt vấn đề khá sát sườn trên, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều thừa nhận trong bộ máy công chức của quận không chỉ xảy ra tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu dân mà tại một số phòng, ban của quận, phường năng lực cán bộ còn hạn chế, chưa toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ được giao nên cũng gây phiền hà cho người dân…

Với quận 8 - một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, Bí thư Quận ủy Đổng Thị Kim Vui cho biết, có thực trạng cán bộ, công chức buông lỏng trong quản lý xây dựng, vụ lợi, tham ô, tiêu cực; một số trường hợp còn tham gia tệ nạn xã hội; cũng có trường hợp cán bộ thích “ngồi” chỗ dễ, sợ chỗ khó. Một vài đơn vị mất đoàn kết nội bộ do kèn cựa địa vị, có lối sống thực dụng.

Một đồng chí trong Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết, trước năm 2010, cán bộ công chức của huyện này còn nhiều hạn chế, yếu kém; đặc biệt, đội ngũ cán bộ công chức huyện, xã trình độ chưa đáp ứng với yêu cầu công việc được giao. Tình trạng buông lỏng quản lý gây ra một số tiêu cực, làm mất lòng tin trong nhân dân…

        “Quét sạch” chủ nghĩa cá nhân

Khắc phục thực trạng trên, nhiều bài học kinh nghiệm được các địa phương chia sẻ. Như cách làm của Quận ủy Phú Nhuận là ban hành chương trình hành động “3 không” (không vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và phạm pháp luật; không tham nhũng, hối lộ, lãng phí và nhũng nhiễu dân; không đi họp, đi học trễ, về sớm). Đặc biệt, Quận ủy Phú Nhuận chỉ đạo UBND quận lắp đặt hệ thống camera tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho nhân dân để Thường trực UBND quận quan sát. Công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt được gắn chặt với đánh giá qua thái độ, trách nhiệm của cán bộ trước công việc. Quận ủy Phú Nhuận thường xuyên rà soát “đưa vào, đưa ra” hoặc luân chuyển đối với những cán bộ suy giảm ý chí phấn đấu, không đáp ứng yêu cầu.

Giải pháp của Quận ủy quận 8 là “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân tại các đơn vị yếu kém, mất đoàn kết nội bộ như: Thanh tra xây dựng, bệnh viện, Trung tâm Thể dục thể thao, Trung tâm Văn hóa, phường 13… và thực hiện nghiêm với người đứng đầu qua công tác giáo dục tư tưởng, hội thảo đạo đức công vụ… Quận ủy chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin quận quay phim cán bộ nào trong giờ hành chính còn la cà uống cà phê, ăn sáng để chuyển phim cho đơn vị đó xử lý. Quận cũng mạnh tay chuyển cán bộ chủ chốt xuống làm chuyên viên nếu như làm việc chểnh mảng (trong 2 năm 2011, 2012 có 7 cán bộ bị điều chuyển).

Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, Quận ủy quận 8 đã xử lý kỷ luật về mặt Đảng 42 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp bị khai trừ Đảng; xử lý về mặt chính quyền 98 trường hợp, trong đó chuyển cơ quan điều tra 3 trường hợp tiêu cực trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tương tự, Huyện ủy Hóc Môn cũng làm giảm đáng kể bức xúc của nhân dân khi tăng cường công tác kiểm tra, xử lý cán bộ công chức vi phạm khi bị tố cáo. Trong 46 trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo trong 2 năm 2011, 2012, Huyện ủy đã chỉ đạo kỷ luật mức khiển trách 26 trường hợp, cảnh cáo 11 trường hợp, cách chức 2 trường hợp và khai trừ Đảng 7 trường hợp.

Ghi nhận kết quả trên của các quận, huyện, nhưng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua yêu cầu vai trò quan trọng nhất đối với lãnh đạo cấp ủy là phải nắm bắt diễn biến, đánh giá tình hình. “Có bắt mạch được mới kê đơn thuốc, trị được bệnh”, đồng chí Nguyễn Văn Đua ví von. Lãnh đạo cấp ủy nếu chỉ nắm tình hình theo cách hành chính, cách cũ sẽ không hiệu quả. Đồng chí dẫn chứng 2 vấn đề “nóng” hiện nay là xây dựng trái phép và tệ nạn xã hội. “Phải biết khi tình hình kinh tế khó khăn thì tệ nạn, tiêu cực càng dễ bùng phát. Cũng phải đánh giá được rằng nếu không có bao che làm sao có thể xây dựng được hàng trăm căn nhà trái phép. Với tình trạng tệ nạn xã hội rộ lên vừa rồi, nếu địa phương nói không bao che mà do buông lỏng quản lý, nghĩa là cán bộ đó năng lực yếu, thiếu trách nhiệm. Đánh giá được như vậy thì phải thay cán bộ. Thái độ vô cảm trước bức xúc của dân cũng là quan liêu”, đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục