Bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về môi trường

Chiều 26-9, Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội đã họp phiên toàn thể, thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

(SGGP). – Chiều 26-9, Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội đã họp phiên toàn thể, thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban KH-CN-MT và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 21 của UBTVQH, dự thảo luật đã được bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng. Rất nhiều vấn đề đã được luật hóa như về báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ chế thỏa thuận về môi trường hay đền bù thiệt hại về môi trường... thay vì quy định trong các nghị định hướng dẫn thi hành luật như dự kiến ban đầu. Như vậy, khi luật này được ban hành sẽ chỉ có 4 nghị định hướng dẫn thay vì 20 nghị định như Luật Bảo vệ môi trường 2005.

Tại phiên họp, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những quy định nhằm khắc phục những tồn tại qua tổng kết 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 về phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường, trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường và đặc biệt là những quy định mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và an ninh môi trường.

Liên quan đến việc khởi kiện về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT nhận định, thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể được phát hiện trong một thời gian ngắn kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể nhiều năm sau mới phát hiện được. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự có quy định chung thời hiện khởi kiện về đòi bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Thực tế có nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra mà khi phát hiện thì đã hết thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, “đề nghị quy định trong luật này thời hiệu khởi kiện về môi trường, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường là 2 năm tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Ngoài ra, một số ý kiến trong ủy ban đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về các đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường...

Chú trọng an toàn trong hoạt động xây dựng

Thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tại phiên họp ngày 26-9, nhiều thành viên Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội ghi nhận, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Tuy nhiên vẫn cần quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng.

Cần phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; nhất là với hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Đề nghị bổ sung đối tượng gia hạn cấp phép xây dựng. Trường hợp dự án thi công dở dang, ngưng không xây dựng một thời gian dài, có thể bắt buộc phải có gia hạn giấy phép để đảm bảo những điều kiện về an toàn trong quá trình tiếp tục xây dựng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục