Đại biểu Quốc hội được hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia

(SGGPO).- Sáng 15-8, dự án Luật Tổ chức Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến.

(SGGPO).- Sáng 15-8, dự án Luật Tổ chức Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến.

Trình bày Báo cáo dự kiến chỉnh lý, tiếp thu dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện còn nhiều nhóm vấn đề cần xin ý kiến dự thảo Luật như về đại biểu Quốc hội; vai trò của UBTVQH trong việc chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và Ủy ban của Quốc hội; vai trò của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện nghiên cứu lập pháp…

Về đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị tiếp thu theo hướng tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40%. Đồng thời, phân định rõ tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách; thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đáng lưu ý, ông Lý nhấn mạnh, dự thảo đã quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội, chẳng hạn, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được trả lương, phụ cấp trách nhiệm hàng tháng theo thang bảng lương của đại biểu Quốc hội; đại biểu Quốc hội được hỗ trợ kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo tiếp tục khẳng định đây là hình thức tổ chức hoạt động của các đại biểu Quốc hội được bầu ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội có Văn phòng giúp việc.

Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị trong lần sửa đổi Luật lần này chưa đặt vấn đề chia tách, thành lập một số Ủy ban như đề nghị của đại biểu Quốc hội mà cần tiếp tục nghiên cứu để quyết định vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, do nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban cơ bản kế thừa như hiện nay nên đề nghị không thay đổi tên gọi của các Ủy ban.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo hướng bổ sung quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh về lĩnh vực mà Hội đồng dân tộc, Ủy ban phụ trách; bổ sung quyền yêu cầu báo cáo, giải trình, cung cấp tài liệu, cử thành viên xem xét, xác minh về vấn đề mà Hội đồng dân tộc, Ủy ban quan tâm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đối với những yêu cầu của Hội đồng, Ủy ban cho phù hợp với Hiến pháp.

Đặc biệt, bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Pháp luật trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội và ban hành pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, bên cạnh nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; Ủy ban Kinh tế được bổ sung thẩm quyền thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực đất đai...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục