Trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa cử tri đi bỏ phiếu tán thành

(SGGPO).- Chiều 25-2, dự án Luật Trưng cầu ý dân đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu trong khuôn khổ phiên họp thứ 35.

Theo cơ quan trình dự thảo Luật – Hội Luật gia Việt Nam, trưng cầu ý dân đã là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh vẫn còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân trình UBTVQH  lần này gồm 9 chương, 58 điều; quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc trưng cầu ý dân, người có quyền biểu quyết trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, giám sát trưng cầu ý dân và kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm...

Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, Ban soạn thảo cho biết, hiện có hai loại ý kiến. Đa số ý kiến cho rằng, trưng cầu ý dân chỉ nên quy định tổ chức ở quy mô toàn quốc và dự thảo Luật cũng quy định theo hướng này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác cho rằng, tuỳ thuộc vào tính chất, tầm quan trọng và phạm vi tác động của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, Quốc hội sẽ quyết định quy mô tổ chức cho hợp lý, có thể là trên phạm vi toàn quốc, cũng có thể trong một vùng (khu vực) một số tỉnh, thành phố hoặc chỉ trong một tỉnh, thành phố. Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung quy định của dự thảo Luật.

Về kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định (theo quy định tại khoản 1, Điều 54 dự thảo). Kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép”, cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý với quan điểm này, nhưng lưu ý, việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước.

“Dự thảo Luật chỉ nên quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân, đó là: những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng. Căn cứ vào đó, tùy theo yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Theo nghiên cứu của Hội Luật gia, đến nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục