Không dừng xe đang lưu thông để xử phạt xe không chính chủ

 * Phóng viên:
Không dừng xe đang lưu thông để xử phạt xe không chính chủ

(SGGPO). - Chiều tối ngày 29-11, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời một số vấn đề báo chí quan tâm (ảnh).

 
* Phóng viên:
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông báo từ năm 2017 sẽ phạt người đi xe mô tô, xe gắn máy không sang tên đổi chủ, nhiều ý kiến cho rằng việc làm này thiếu tính khả thi và khó thực hiện trong thực tế. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

* Ông Mai Tiến Dũng: Việc quy định hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ Luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 và các quy định hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích của người sỡ hữu phương tiện đó.

Hiện nay, việc xử phạt đối với hành vi xe mô tô, xe gắn máy không sang tên đổi chủ mới chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng ký xe. Khi xe đang tham gia giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Vì vậy, Chính phủ đề nghị báo chí tập trung tuyên truyền tạo hiệu ứng dư luận xã hội, ủng hộ việc thực hiện chủ trương này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông và tuân thủ quy định của pháp luật.

* Về việc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố khảo sát kiểm nghiệm nước mắm truyền thống với kết quả nhiều mẫu nhiễm thạch tín gây hoang mang dư luận vừa qua, Bộ Công thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời xem xét các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định của pháp luật. Đến nay các dấu hiệu vi phạm của Vinastas đã được làm rõ chưa, phương án xử lý với các vi phạm này ra sao?

* Báo cáo của Bộ Công thương về các sai phạm của Vinastas đã được công khai trên báo chí. Trong đó đối với sai phạm của báo chí cũng đã được Bộ Thông tin-Truyền thông xử phạt và công khai. 

Đến nay, trong 9 cơ quan báo chí có sai phạm nặng nhất đã có 6 cơ quan chủ quản có báo cáo gửi về bộ về hình thức xử lý các cá nhân. Bộ Thông tin-Truyền thông đang xem xét xử lý theo quy định của Luật Báo chí.

Ngày 29-11, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo Vinastas cải chính thông tin mà Hội đã công bố về chất lượng nước mắm; tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Vinastas trong vụ việc trên theo đúng quy định của luật pháp.

Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Vinastas; chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách của Vinastas trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vi phạm của Vinastas.

Thủ tướng cũng giao Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp với các cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí có sai phạm xử lý nghiêm các cá nhân trong việc thông tin thiếu trung thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công an điều tra và sớm công bố kết quả vụ việc.

Hiện nay, các bộ, cơ quan đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, tiếp tục xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm sai phạm của Vinastas cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan.

* Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng sau khi Bộ Nội vụ có báo cáo. Quan điểm, phương án xử lý của Chính phủ đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng?

* Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương, phối hợp với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra TƯ, Văn phòng TƯ Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành của pháp luật để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết về chất vấn phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội…

Nghị quyết cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiến hành tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tình hình thực tiễn.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục