Tiếng nói người dân giúp chính quyền vững mạnh

Nhân dịp năm mới 2017, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan đến công tác đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, vận động nhân dân.
Tiếng nói người dân giúp chính quyền vững mạnh

Nhân dịp năm mới 2017, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về những vấn đề liên quan đến công tác đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, vận động nhân dân.

- Phóng viên: Thưa đồng chí, bước sang năm 2017, nhìn lại quãng thời gian qua của năm 2016 thì dấu ấn của Mặt trận Tổ quốc trong việc góp phần xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp, văn minh hơn là gì?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân

>> Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Để đánh giá Mặt trận đã làm gì trong năm 2016 thì tốt nhất để nhân dân đánh giá. Còn về hoạt động thực tiễn, chúng tôi cảm thấy rõ nhất là đã góp phần làm rõ vị trí của đại đoàn kết trong sự nghiệp phát triển của dân tộc ta ở giai đoạn hiện nay. Có thể nói, chúng ta có 3 trụ cột khi nói về đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, bất cứ người Việt Nam nào yêu Tổ quốc và thương người thì đều có thể ngồi cùng nói chuyện với nhau, cái gốc đó là xuyên suốt. Thứ hai, làm thế nào để nhân dân hiểu được đường lối phát triển đất nước, đồng tình với sự phát triển đó và quyết tâm góp sức làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Thứ ba, chúng ta làm thế nào phát huy được sáng kiến, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân đóng góp sức của mình vào việc cải thiện đời sống của mình, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc thông qua các hoạt động của Mặt trận và sự hiệp thương của Mặt trận với các tổ chức thành viên.

Thực tiễn 3 năm nay chúng tôi nhìn nhận khi nói đến Mặt trận là khẳng định thêm vị trí, vai trò và phương thức của đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay. Với hoạt động đó thì năm 2016 có mấy sự kiện lớn phản ánh nỗ lực của Mặt trận với sự lãnh đạo của Đảng phát huy đại đoàn kết. Bao gồm động viên toàn thể nhân dân thực hiện tốt cuộc bầu cử khóa XIV, bầu ra người lãnh đạo các cấp để lo cho mình, lo cho cái mà mình mong muốn, bầu cho người đại diện mình, lo cho mình, lo cho đất nước. Kết quả bầu cử rất cao, là công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ Việt Nam. Cùng với đó, từ kinh nghiệm 15 năm trước cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Mặt trận đã triển khai cuộc vận động cho giai đoạn mới. Đó là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tiếp tục kế thừa những thành tựu cũ, đồng thời có những cái điều chỉnh cho phù hợp. Muốn nông thôn mới thì không thể khu dân cư không mới, khu dân cư không tốt, nên đặc thù của cuộc vận động mới chính là chúng ta kết hợp được kinh nghiệm, mô hình mới với tầm cao mới. Phương châm của cuộc vận động này là không để hộ nghèo, hộ chính sách nào không được một tổ chức Mặt trận, đoàn thể hỗ trợ, giám sát. Mặt trận cũng đã ký chương trình phối hợp với Chính phủ về vận động giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Như vậy, đây là cuộc vận động được chuẩn bị bài bản, ý Đảng, lòng dân, Mặt trận và Chính phủ phối hợp có chiều sâu nhằm thu hút tất cả nguồn lực của nhân dân cũng như kết hợp giữa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước…

- Đồng chí có thể nói rõ hơn về hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận, vì đây là chức năng của Mặt trận mà người dân rất kỳ vọng?

Hoạt động của Mặt trận là đoàn kết nhân dân, yêu nước thương dân, nhưng  nhiệm vụ không kém quan trọng khác là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy thì việc giám sát, phản biện rất quan trọng. Giám sát, phản biện giúp cho hệ thống chính quyền hoạt động tốt hơn, giúp cho các đơn vị tuân thủ pháp luật tốt hơn, từ đó đem lại lợi ích cho người dân. Vừa qua, chúng tôi đã triển khai những chương trình giám sát lớn. Đặc biệt, Mặt trận và Chính phủ vừa triển khai một giám sát mới, rất quan trọng đối với đời sống người dân, đó là vận động nhân dân giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó, chúng tôi cũng giám sát về nguy cơ ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện phát sinh ra; khảo sát để đánh giá sự hài lòng của người dân... Chúng tôi cho rằng, đây là kết quả rất đáng trân trọng vì qua giám sát, phản biện thì người dân yên tâm, thấy được chính quyền thực sự vì dân và người dân cần phải có tiếng nói góp phần giúp chính quyền ngày càng vững mạnh thêm.

- Trong năm qua, vấn đề tôn giáo và sắc tộc ở trên thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề tôn giáo có thể nói là niềm tự hào của các công dân được sống trong môi trường tôn giáo hòa bình và ổn định. Đồng chí có chia sẻ gì về vấn đề này?

Nếu nhìn lại lịch sử thì các tôn giáo Việt Nam đều cơ bản du nhập ở nước ngoài vào từ hàng ngàn năm, hàng trăm năm trước, sau này có phát sinh một số tôn giáo ở nước ta. Nhưng dù tôn giáo du nhập vào từ đâu, người Việt Nam theo tôn giáo nào thì cũng đều là người Việt Nam yêu nước. Giáo lý của tất cả các tôn giáo đang tồn tại ở Việt Nam không có ai đi ngược lại giáo lý yêu nước, thương dân cả, đặc biệt là thương những người dân khó khăn, đây là cái nền rất quan trọng. Công tác tôn giáo nước ta ngày càng được nước ngoài thừa nhận, đó là những thành tựu, quá trình lâu dài từ khi có Đảng, từ ngày thống nhất đất nước đến nay. Mỗi một tổ chức, cơ quan đều làm hết trách nhiệm của mình trong đoàn kết các tôn giáo.

Đây cũng là lĩnh vực Mặt trận các cấp rất quan tâm. Trong Mặt trận có đại diện của nhiều tôn giáo, trong HĐND các cấp cũng có đại diện nhiều tôn giáo tham gia. Năm 2016, Mặt trận có 2 sự kiện quan trọng liên quan đến công tác tôn giáo. Thứ nhất, lần đầu tiên có một chương trình phối hợp giữa MTTQ, Bộ TN-MT và 40 tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể nói 40 tổ chức tôn giáo chưa bao giờ ngồi với nhau chung một diễn đàn và ký với nhau chung một văn bản, nhưng rồi chúng ta đã ngồi được với nhau. Đó là nhờ chúng ta có niềm tin rằng giữa các tôn giáo tuy có giáo lý khác nhau nhưng luôn đồng thuận với nhau trong những vấn đề tốt đẹp cho người dân, ví dụ như chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ký kết đó của 40 tổ chức tôn giáo thể hiện đại đoàn kết. Nhiều đại sứ nước ngoài khi chứng kiến sự kiện này đã nói với tôi rằng không ngờ 40 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam lại cùng ngồi được với nhau để bàn việc chung. Khi họ nói như vậy, tôi cũng nói: “Chúc mừng ông đã thấy được điều đó, nhưng hơi đáng tiếc là muộn quá. Chúng tôi thực tế đã ngồi với nhau từ lâu rồi”. Hay một hình ảnh rất đẹp mà chúng ta thường thấy về sự đoàn kết giữa các tôn giáo đó là Phật giáo chúc mừng Thiên Chúa giáo vào dịp Giáng sinh, còn Thiên Chúa giáo chúc mừng Phật giáo vào ngày dịp Phật đản… Điều đó đã thành một văn hóa.

Các tôn giáo cũng đã đóng góp rất nhiệt tình vào dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là sự kiện rất quan trọng. Trong quá trình chuẩn bị chúng tôi cũng gặp một số đại sứ các nước, họ nói thẳng rằng: “Chúng tôi lo luật ra không đáp ứng nguyện vọng các tôn giáo”. Tôi chỉ nói rằng các ông cứ theo dõi đi. Sau khi luật được Quốc hội thông qua 1 tháng, có 4 đại sứ ở châu Âu đã đích thân chúc mừng tôi vì Việt Nam thông qua luật này. Họ cũng nói: “Việt Nam theo chế độ cộng sản nhưng có được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như vậy là bởi vì các ông biết lắng nghe”.

Một vị chủ tịch giám mục ở Đức, đồng thời là thành viên của Công giáo Vatican khi gặp tôi cũng đã hỏi: “Việt Nam xây dựng chủ nghĩa cộng sản, vậy đến bao giờ thì tôn giáo diệt vong? Bởi chủ nghĩa Mác nói rằng đến chủ nghĩa cộng sản thì tôn giáo diệt vong?”. Tôi đã trả lời rằng, có thể tôi không sống được đến lúc Việt Nam xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi chắc chắn rằng luật pháp Việt Nam không làm các tôn giáo diệt vong, mà ở Việt Nam tôn giáo tự do đồng hành cùng dân tộc trong khuôn khổ pháp luật. Tôi cũng nói với họ, Việt Nam còn làm khác một điều nữa là xây dựng chủ nghĩa cộng sản ngoài tôn giáo đồng hành cùng dân tộc thì còn làm kinh tế thị trường.

Kể từ ngày giải phóng đất nước đến nay, tại Việt Nam số người theo đạo Công giáo tăng lên, số nhà thờ tăng lên. Bên Phật giáo cũng thế. Các tôn giáo sẽ ngày càng phát triển trên đất nước chúng ta theo phương châm đồng hành cùng dân tộc. Tôi khẳng định về công tác tôn giáo, cơ bản chúng ta làm rất tốt, nhưng cũng còn có những nơi chính quyền chưa thực sự chia sẻ hết nhu cầu của các tôn giáo. Khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa về quy hoạch đất đai, giải quyết các chế độ… Ví dụ, các tôn giáo muốn dạy nghề, xây dựng các cơ sở từ thiện nhưng chúng ta chưa cấp phép đủ. Sắp tới, Mặt trận sẽ có tổng kết, các tôn giáo tham gia vào việc duy trì các cơ sở từ thiện, chăm lo cho người nghèo, HIV, trẻ mồ côi…

Tóm lại, nước ta cơ bản không có đối đầu về tôn giáo. Các tôn giáo đều là của người Việt Nam cả. Chúng ta cũng không so sánh với tôn giáo ở các nước vì mỗi quốc gia có một lịch sử tôn giáo khác nhau. Mục tiêu của chúng ta là làm  đồng bào có đạo ở Việt Nam hạnh phúc với chế độ này. Đồng bào theo đạo vui với cuộc sống là chúng ta vui; Đảng, Mặt trận hoàn thành nhiệm vụ.

- Cảm ơn đồng chí!

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục