Chuyện của Đà Nẵng, bài học của cả nước

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố kết luận phiên họp thứ 17, trong đó có vi phạm “nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật” của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ. 
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của người đứng đầu TP Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh có thể tóm tắt gồm 4 vấn đề: chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu gương mẫu, trung thực trong việc nhận, sử dụng ô tô doanh nghiệp biếu tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp.
Việc ông Nguyễn Xuân Anh sẽ phải nhận hình thức kỷ luật thế nào còn phải chờ các bước kiểm điểm, kết luận theo quy trình trong Đảng, nhưng rõ ràng đây là một vấn đề rất đáng tiếc đối với cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi từng được nhiều cán bộ, đảng viên kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện” cho thành phố lớn nhất miền Trung này. Tuy nhiên, đến lúc này cũng cần nói thật rằng, khi ông Nguyễn Xuân Anh được giao trọng trách Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ở tuổi 39, không ít người cho rằng yếu tố trẻ, có học vấn và có truyền thống gia đình mới chỉ hội tụ điều kiện “cần”. Nay kết luận những vi phạm đã chứng tỏ những băn khoăn của nhiều người về điều kiện “đủ” của ông Nguyễn Xuân Anh là có cơ sở.
Đó là việc có biểu hiện “đi lên” quá nhanh, chưa thấy cán bộ này thể hiện sự nổi trội hơn nhiều người trẻ cùng hội đủ điều kiện “cần” tương tự. Theo họ, ngoài việc quá trình cống hiến còn “mỏng”, ông Nguyễn Xuân Anh cũng chưa chứng tỏ được tài năng, đức độ nhưng đã liên tục được đề bạt, cất nhắc qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng từ quận đến thành phố, rồi đứng đầu địa phương mà với hầu hết những cán bộ có năng lực khác sẽ phải phấn đấu nhiều chục năm mới có được. 
Nói đến vi phạm, khuyết điểm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố, cũng nên đề cập đến sự trì trệ về mặt kinh tế của Đà Nẵng trong những năm gần đây. Nếu như trước đây Đà Nẵng được coi là địa phương giàu thứ ba cả nước sau TPHCM và Hà Nội, thì hiện nay có vẻ như thành phố này đang dần đánh mất vị trí đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thật vậy, có thể thấy điều đó qua chỉ tiêu tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2016. Dù Đà Nẵng đạt được con số kỷ lục 20.000 tỷ đồng nhưng cũng mới chỉ tương đương với tỉnh Quảng Nam, kém xa nhiều “tỉnh lẻ” như Bà Rịa - Vũng Tàu (cỡ 60.000 tỷ đồng), Đồng Nai và Bình Dương (mỗi tỉnh hơn 40.000 tỷ đồng), Quảng Ninh (36.000 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (31.000 tỷ đồng)…
Riêng so với một địa phương có nhiều tương đồng là TP Hải Phòng, Đà Nẵng tụt hạng rất rõ khi tổng thu ngân sách trên địa bàn chưa bằng 1/3 Hải Phòng (20.000 tỷ đồng so với 62.000 tỷ đồng). Tổng thu ngân sách địa bàn là chỉ tiêu gián tiếp phản ánh quy mô kinh tế (GDP) cũng như bước phát triển thực tế, đời sống dân cư, tạo việc làm, khả năng thu hút vốn đầu tư, thu hút nguồn nhân lực…
Chứng minh cho hạn chế này của Đà Nẵng còn có thông tin mới được ghi nhận tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vừa qua: Dù là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương nhưng 6 tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng chỉ chiếm 0,27% tổng vốn FDI và 0,71% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, là quá thấp.
Nói cách khác, mặc dù nhiều năm liên tục được tung hô giữ vị trí quán quân trong xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, nhưng trong thực tế, Đà Nẵng đã và đang tụt hậu so với nhiều tỉnh, thành trong nước và so với chính mình. 
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận những vi phạm của Bí thư Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cho thấy nhiều khía cạnh, đặc biệt là bài học về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng và chính quyền. Thực tế, hội nhập cùng thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta đang thiếu nên rất cần có đội ngũ cán bộ cốt cán trẻ tuổi, có học vấn cao, năng động, dám nghĩ dám làm…
Nhưng cần không có nghĩa là xem nhẹ việc đào tạo, bồi dưỡng quan điểm, tư duy nhận thức, kỹ năng lãnh đạo và nhất là đạo đức lối sống, sự trung thực, tính gương mẫu, sự dấn thân hy sinh, cống hiến… Để có được những người lãnh đạo xứng đáng, xứng tầm, được cán bộ, quần chúng nhân dân tin yêu, chấp hành và noi gương làm theo, ngoài tiêu chuẩn truyền thống gia đình, học vấn, tuổi đời… thiết nghĩ nhất định họ phải tự chứng minh qua sự thử thách, tôi luyện. Có như thế mới bảo đảm có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp thực sự “vừa hồng vừa chuyên”. Phải chăng, đó là bài học không mới nhưng cần ôn lại trong công tác tổ chức cán bộ ở các cấp, các ngành hiện nay.

Tin cùng chuyên mục