Cuối tuần đi xem rối nước

Những con rối uyển chuyển, nhẹ nhàng lướt trên mặt nước, hay những con rồng phun nước tài tình… khiến khán giả trầm trồ, thích thú. Múa rối nước - loại hình nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Bắc bộ - nhưng lại có đời sống và vị trí riêng trong lòng khán giả của thành phố phương Nam.
Ít, nhiều vẫn có người yêu
Con rồng lượn qua lượn lại một cách nhẹ nhàng trên mặt nước, cùng màn phun nước khiến thực khách chuẩn bị bữa ăn phải dừng lại để xem. Người lớn chăm chú theo dõi, dùng điện thoại, máy ảnh để ghi hình lại, trẻ con thì chạy vội lên thật gần sân khấu để xem cho rõ. Màn phun nước hình vòng cung một cách điệu nghệ của chú rồng khiến những khán giả nhí đứng gần sân khấu bị văng vài giọt nước trên mặt, thích thú tò mò. 
Không chỉ đông khách vì món bún đậu đậm đà vị truyền thống, mà nhà hàng bún đậu trên đường Lê Lai, quận 1 còn thu hút khách bởi tiết mục múa rối nước truyền thống. Sân khấu múa rối nước mini nằm ở lầu 2 của quán, nhưng mỗi buổi diễn múa rối đều đông khách ghé lại, vừa để thưởng thức ẩm thực, vừa xem múa rối.
Thay vì bỏ tiền mua vé xem múa rối nước, xem múa rối ở quán ăn với mô hình nhỏ nhưng vẫn đủ sức làm hài lòng khán giả. Bữa ăn được phục vụ bên cạnh những màn rối nước dân gian, hoàn toàn không mất thêm phí, là cách để thu hút khách hiệu quả.
“Vừa xem rối nước, vừa ăn uống, thật tiện. Tụi nhỏ có chỗ để xem, để chơi, đỡ phải trông chừng trong lúc mình ăn uống”, chị Minh Thư (ngụ quận 3, TPHCM) cho biết.
Nằm ngay vị trí trung tâm thành phố, nên phần đông khách của quán là khách nước ngoài, khách du lịch. Tiết mục rối nước biểu diễn vừa xong, những tràng vỗ tay không ngớt, anh Teddy (31 tuổi, một du khách đến từ Anh) reo lên: “Great!” (Tuyệt!).
Sau màn biểu diễn rối nước, hai nghệ sĩ bước ra chào khán giả và khách nếu thích có thể bước lên thử điều khiển những con rối qua lại trên mặt nước.
Vị khách loay hoay cùng con trai thử điều khiển con rồng lượn trên mặt nước, nhưng vẫn không thể ra được những màn bay lượn ra trò.
Cuối tuần đi xem rối nước ảnh 1 Công chúng xem rối nước tại sân khấu Nhà hát nghệ thuật  Phương Nam. Ảnh: ĐỖ THANH
“Thiệt không dễ, thấy vậy chứ cầm thử cũng nặng lắm”, anh Tuấn Huy (nhân viên kinh doanh, ngụ quận Tân Bình) vừa cười vừa chia sẻ.
Màn múa rối nước với những tiết mục như chăn vịt, bắt cá, cá chép hóa rồng, long lân quy phụng… có thể không đủ sức náo nhiệt, hiện đại so với nhiều loại hình giải trí ngoài kia.
Lượng khách đến với rối nước không quá đông, cũng không ít, phần nhiều vẫn là khách nước ngoài. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì rối nước vẫn có một vị trí riêng trong lòng khán giả và các buổi diễn đều có một lượng khán giả nhất định.
Theo anh Lý Tín (nhân viên phụ trách chương trình rối nước tại quán): “Hai suất diễn rối nước trong tuần vào tối thứ tư và tối chủ nhật, tuy nhiên nếu khách đi theo nhóm và đặt lịch biểu diễn riêng vào các ngày khác thì quán vẫn phục vụ. Những buổi có biểu diễn rối nước, nhất là vào cuối tuần, thường đông khách hơn, còn không cũng vừa kín hết các bàn ở tầng 2. Khách nước ngoài rất thích, khi tới quán, họ thường yêu cầu được xem múa rối nước”.
Trăn trở cùng rối nước
Rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian do ông bà xưa để lại, không có trường lớp đào tạo chuyên biệt, chủ yếu là người đi trước truyền lại người đi sau. Rối nước tồn tại và phát triển đến hôm nay cái chính cũng từ lòng yêu nghề của nhiều thế hệ và sự mến mộ của khán giả với loại hình nghệ thuật cổ truyền này.
Người nghệ sĩ múa rối nước cũng không cần phải sở hữu ngoại hình sáng sân khấu, giọng nói truyền cảm, hay phải hóa trang kỳ công cho mỗi lần biểu diễn. Bởi vị trí của họ luôn đứng sau bức rèm thưa. Nhưng để điều khiển được con rối di chuyển, động tác một cách thành thục trên mặt nước, việc tập luyện không phải đơn giản ngày một, ngày hai.
 Với những loại hình nghệ thuật khác - sân khấu là nơi biểu diễn của nghệ sĩ, thì với rối nước - sân khấu là nơi của những con rối. Người nghệ sĩ múa rối nước ẩn mình đằng sau bức rèm thưa, với mực nước ngang bụng và bộ trang phục chống thấm dày cộm.
“Thời gian đầu cũng mất ăn mất ngủ với nó, phải bắt đầu từ cái đơn giản, nhỏ nhất. Lúc mọi người nghỉ ngơi, mình tranh thủ lội xuống hồ tập cho quen tay, rồi các anh, chị đi trước chỉ dạy thêm, từ từ mới đi được một con rối, rồi bắt đầu tập luyện tiếp các con khác”, anh Thanh Bình - nghệ sĩ múa rối nước Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cho biết.
Địa điểm hoạt động chính của đoàn rối nước Nhà hát nghệ thuật Phương Nam nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1). Giờ giấc hoạt động của đơn vị cũng phụ thuộc vào giờ giấc của bảo tàng và khi mua vé xem rối nước, khách mất thêm phần vé vào bảo tàng, nên mỗi suất diễn cũng không thu hút đông khách. Mặc dù hiện tại là thời gian nghỉ hè, nhưng các suất diễn vẫn không nhiều, phần đông vẫn là khách nước ngoài, khách du lịch. 
Mỗi suất diễn phải 12-15 khán giả mới bắt đầu đủ kinh phí duy trì các hoạt động của sân khấu, cũng như bồi dưỡng cho các nghệ sĩ. Mỗi tiết mục thường có 8-9 nghệ sĩ cùng tham gia biểu diễn, với thời lượng khoảng 30 phút.
Nếu đầu tư hơn, bên cạnh sân khấu rối nước sẽ là ban nhạc cổ truyền chơi trực tiếp để tiết mục múa rối nước thêm phần sinh động, cuốn hút. “Hiện tại, sân khấu vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn phải đầu tư và đổi mới thì mới có thể thu hút khách. Đoàn cũng liên kết với các công ty du lịch để có thêm nhiều suất diễn, hoặc biểu diễn thêm ở các trường học nếu có lời mời. Nhiều không nhiều nhưng cũng không ít, đồng lương của nghệ sĩ múa rối nước theo đoàn vẫn đủ sống. Mọi người theo nghề và trụ lại với nghề cũng vì đam mê và năng khiếu. Nếu không cũng dễ nản mà bỏ ngang, bởi việc tập luyện ban đầu không dễ, chủ yếu là người trong nghề chỉ dạy và góp ý cho nhau”, anh Thái Ngọc Hải - Trưởng đoàn rối nước Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ.
Múa rối nước tuy không trường lớp đào tạo, nhưng để biểu diễn được một tiết mục cũng phải tập luyện một cách nghiêm túc. Tuy chỉ là mô hình múa rối nước mini trong quán ăn, nhưng chị Hương Giang - chủ quán bún đậu, cũng cho nhân viên theo học rối nước từ nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm tại Hà Nội.
“Vì đây là loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền, nên mình cần tìm hiểu, học hỏi từ những người đi trước để truyền tải được cái hồn của múa rối nước”, chị Giang bày tỏ.
Còn với anh Thái Ngọc Hải, chuyện giữ gìn và phát triển múa rối nước cũng cần thêm nhân sự trẻ: “Đoàn vẫn luôn tuyển và nhận thêm những bạn trẻ có tình yêu và muốn theo nghề rối nước. Vẫn còn nhiều tiết mục cổ cần phục dựng. Để rối nước luôn gần gũi với cuộc sống hiện tại, rất cần những người trẻ”.
Cái nôi của múa rối nước ở Bắc bộ, nên nhiều đoàn rối hiện nay đặt hẳn những bộ rối từ miền Bắc chuyển vào, để giữ đúng dáng vẻ, điệu bộ của từng con rối. Theo chia sẻ từ anh Lý Tín, mỗi con rối có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí cả bộ rối giá vài chục triệu đồng là chuyện thường. Bởi từ khúc gỗ để tạo thành một con rối người, nghệ nhân tạo hình phải mài, đục, sơn, phết nhiều lớp rất kỳ công.
Một số địa chỉ xem múa rối ở TPHCM: Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng (nằm trong Cung Văn hóa Lao động TPHCM, 55B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1), 2 suất diễn vào lúc 17 giờ và 18 giờ 30 mỗi ngày, giá vé 200.000 - 230.000 đồng/vé; Múa rối nước Phương Nam (nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1), gồm 6 suất/ngày: 9 giờ, 10 giờ, 11 giờ, 14 giờ, 15 giờ, 16 giờ (phải có 12-15 khách/suất mới diễn), giá vé 50.000 đồng/vé; Nhà hàng Ngon (195 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2, TPHCM), diễn vào thứ bảy hàng tuần, từ 19 giờ 30 đến 20 giờ; ĐẬU Homemade (52 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1 và 1 Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, quận 1), diễn lúc 20 giờ tối thứ tư và chủ nhật hàng tuần.

Tin cùng chuyên mục