Đạo đức xã hội và trách nhiệm của mỗi người: Lan tỏa các thông điệp từ nghệ thuật

Cần thiết phải xây dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghề giáo, nghề y hay bất kỳ một ngành nghề nào cũng có một bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. 
Các loại hình nghệ thuật truyền thống cần được phát huy để chuyển tải các thông điệp nhân văn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các loại hình nghệ thuật truyền thống cần được phát huy để chuyển tải các thông điệp nhân văn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bộ quy tắc đạo đức ấy sẽ giúp đạo đức xã hội được ổn định trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan ra toàn xã hội.

Đạo đức xã hội xuống cấp là một vấn đề thực sự đáng lo ngại ở nước ta hiện nay. Ngay trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, khi nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Ngăn chặn tình trạng này là vấn đề căn bản, cốt lõi để xây dựng một xã hội văn minh, an toàn, giàu tính nhân văn và củng cố giá trị văn hóa, đạo đức - nền tảng của sức mạnh dân tộc trong dòng chảy hội nhập”.

Như vậy, mọi người đều nhận thức được nguy hại của sự xuống cấp đạo đức xã hội đối với sự phát triển của dân tộc, nhưng câu hỏi quan trọng là sự xuống cấp đó từ đâu mà ra thì hẳn là có rất nhiều câu trả lời. Câu trả lời nào cũng có lý do của nó và giải pháp không dễ dàng thực hiện một sớm một chiều. Để giải đáp một cách thấu đáo, có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và bền vững thì càng khó hơn. Từ cách tiếp cận của văn hóa cũng như vậy.

Xét ở một khía cạnh nào đó, văn hóa là sản phẩm của một xã hội. Các lĩnh vực của đời sống xã hội đều phản ánh vào văn hóa. Sự xuống cấp đạo đức cũng nằm trong một bối cảnh chung như thế. Xét theo chiều lịch đại, chúng ta thấy sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Việt Nam. Nhiều thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hóa đã được người dân chứng kiến, đặc biệt từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, không có bất cứ thứ gì không có mặt trái của nó. Sự mở cửa về kinh tế, xã hội; quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, bên cạnh những tác động tích cực cũng để lại rất nhiều hệ lụy.

Ở góc độ văn hóa, sự thay đổi xã hội khiến cho logic vận hành của văn hóa thay đổi, ở đây - đó là những vấn đề của định hướng giá trị, thói quen và phong tục, tập quán của một xã hội đang trên đà chuyển đổi. Với định hướng giá trị, những giá trị cũ, không còn thích hợp thì chưa mất hẳn; những giá trị mới, phù hợp hơn thì chưa thực sự định hình. Những tấm gương đạo đức giờ không còn đóng đúng vị trí của nó nữa.

Sự thay đổi thói quen, phong tục, tập quán cũng trong vòng quay như vậy. Những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi những thói quen mới được ra đời từ cuộc sống giàu sang và tiện nghi hơn, bị quyến rũ bởi những thông tin về cuộc sống xa lạ ở các xã hội xa lạ. Tất cả khiến cho nhiều chủ nhân tương lai của xã hội (thế hệ trẻ) lạc lối trong cách xác định lý tưởng sống cũng như phong cách sống. Những lối sống mới xa lạ, đua đòi; những phong cách thời trang, nghệ thuật không phù hợp với chuẩn mực đạo đức dân tộc đã khiến cho xã hội trở nên hỗn loạn hơn và đó cũng là nguyên nhân của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội xét từ cách nhìn văn hóa.

Chắc sẽ còn nhiều hơn nữa những lý do giải thích cho sự xuống cấp đạo đức, nhưng câu trả lời - giải pháp nào giúp giảm bớt và tiến tới loại trừ hẳn hiện tượng tiêu cực này có lẽ sẽ quan trọng hơn việc mải miết đi tìm nguồn gốc mà không đưa ra những cách làm hữu hiệu để loại bỏ nó.

Ở đây, người viết bài này chỉ đề xuất một vài gợi ý nhỏ cho một vấn đề lớn từ góc độ văn hóa. Trước tiên, chúng ta cần quan tâm hơn đến vai trò của nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng con người mới, xác định những giá trị xã hội mới được xã hội tôn vinh. Trước kia, cha ông chúng ta chỉ sử dụng các loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương; sử dụng tục ngữ, dân ca để chuyển tải các thông điệp nhân văn mà giáo huấn được cả xã hội đi theo tiếng gọi của lương tri, đạo đức. Bối cảnh xã hội khác không cho phép chúng ta chỉ sử dụng những biện pháp cũ, nhưng nếu chúng ta đầu tư cho nghệ thuật, hình thành những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân trong xã hội, thì sức lan tỏa của các thông điệp từ nghệ thuật có tác dụng cao hơn nhiều lời hiệu triệu.

Một điều cần thiết khác là sự giúp sức của các phương tiện truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ cái chân - thiện - mỹ. Về bản chất, xã hội là tốt và con người là hướng thiện. Để cái tốt và lòng hướng thiện lan tỏa trong xã hội sẽ khiến cho cuộc sống đẹp hơn. Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ giúp đẩy lùi tệ nạn và cái xấu, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại. Và từ đó, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội và là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội.

Tin cùng chuyên mục