Đức giải bài toán ô nhiễm từ khí thải ô tô

Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là một chủ đề nóng tại Đức, quốc gia nổi tiếng thế giới về ngành công nghiệp ô tô. Để giải bài toán giảm mức phát thải của ô tô sử dụng động cơ diesel, Chính phủ Đức đã đưa ra chính sách mới  nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng lẫn lợi ích của nhà sản xuất. 

Giảm chi phí phát sinh

Theo kế hoạch vừa được Bộ Giao thông Đức công bố, nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí từ ô tô sử dụng động cơ diesel tại 14 thành phố ô nhiễm nhất nước này, các chủ xe buộc phải lựa chọn “lên đời” xe diesel, hoặc mua xe mới có hệ thống xử lý khí thải để phù hợp với chính sách giảm ô nhiễm. Dự kiến sẽ có khoản hỗ trợ người dân nâng cấp phương tiện giao thông cá nhân, còn chính quyền sở tại sẽ nâng cấp các xe công chuyên dụng như xe chở rác, xe vệ sinh đường phố.

Thủ tướng Đức Angela Merkel còn gây sức ép buộc các hãng sản xuất ô tô của nước này chịu trách nhiệm thanh toán 100% các hóa đơn sửa chữa, nâng cấp các loại xe động cơ diesel thế hệ cũ gây ô nhiễm môi trường. Bà Merkel khẳng định, cách thức nhanh nhất và tốt nhất để bảo vệ môi trường, đó là thay thế các xe cũ bằng thế hệ xe mới tiết kiệm nhiên liệu, khí thải ít và có thể chạy điện. 

Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer và Bộ trưởng Môi trường Svenja Schulze cho rằng, quan điểm của chính phủ khi đưa ra quyết định trên là tiếp tục cho phép các ô tô chạy động cơ diesel đời mới ít gây ô nhiễm không khí hơn, được lưu thông và không muốn có thêm lệnh cấm xe diesel trong các thành phố. Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn của Đức cũng ủng hộ kế hoạch trên và đang thảo luận về cách thức nâng cấp các dòng xe cũ một cách hiệu quả, ít tốn kém. 

Đức giải bài toán ô nhiễm từ khí thải ô tô ảnh 1 Theo kế hoạch mới của Chính phủ Đức, nhiều dòng xe cũ gây ô nhiễm môi trường sẽ buộc phải nâng cấp hoặc bị cấm sử dụng
Người Đức vốn không mặn mà với dòng xe điện và xe hybrid, dù đây là xu hướng phổ biến trên thế giới. Một báo cáo gần đây của WWF Germany và nhà cung cấp năng lượng tái tạo LichtBick, cho thấy, Đức đang chậm chân hơn so với Mỹ và Trung Quốc trong việc chuyển sang xe điện. Nguyên nhân nằm ở 3 yếu tố: phạm vi hoạt động, cơ sở hạ tầng và giá cả. Người tiêu dùng Đức thích sử dụng ô tô để đi nghỉ cuối tuần hoặc những kỳ nghỉ dài, trong khi những chiếc xe điện chỉ có phạm vi hoạt động 150 - 300km. Mạng lưới trạm sạc cho xe điện cũng không được chú ý đầu tư mở rộng như các nước trong khu vực châu Âu. Giá cả cũng là một rào cản lớn, giá điện rẻ hơn xăng, dầu, nhưng xe điện lại đắt hơn nhiều so với xe dùng động cơ diesel hoặc xăng. Vì vậy, khi kế hoạch trên được công bố đã phần nào làm hài lòng nhiều người tiêu dùng Đức.

Ngoài việc làm giảm chi phí phát sinh cho chủ xe, kế hoạch này còn bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước vốn đang sở hữu nhiều thương hiệu tên tuổi chuyên về dòng xe diesel như Volkswagen (VW), Mercedes và BMW, cũng như buộc thêm trách nhiệm cho các hãng chế tạo ô tô. Một số nhà sản xuất ô tô đã đề xuất hỗ trợ khoản tiền tới 8.000 eur (gần 9.300 USD) cho các chủ xe cũ muốn đổi sang các mẫu xe mới. Các hãng xe sẵn sàng chịu hầu hết chi phí đổi xe mới hoặc hiện đại hóa các xe diesel cũ, trong đó VW sẵn sàng hỗ trợ tới 8.000 eur cho đổi xe mới, BMW là 6.000 eur và Daimler 5.000 eur. 

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng giúp Đức tránh các động thái pháp lý của tòa án châu Âu liên quan đến chất lượng không khí tại nước này. Vào tháng 5 năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ kiện Đức và 5 nước Pháp, Anh, Italia, Hungary và Romania ra Tòa án Công lý châu Âu vì nhiều năm không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Theo Cơ quan Môi trường Liên bang Đức, từ năm 2017, khoảng 80 thành phố ở Đức đã ghi nhận mức độ khí nitrogen oxide (NOx) vượt ngưỡng cho phép của Liên minh châu Âu (EU). 

NOx là một trong số khí thải có liên quan đến các bệnh về hô hấp và một số bệnh lý về tim mạch, là nguyên nhân gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm mỗi năm. Một số thành phố lớn ở Đức như Hamburg và Stuttgart đã giới hạn khu vực lưu hành đối với các phương tiện chạy bằng động cơ diesel cũ để hạn chế tình trạng ô nhiễm, trong khi nhiều thành phố khác cũng đang cân nhắc thực hiện những quy định tương tự. Từ tháng 2-2019, TP Frankfurt, trung tâm tài chính của Đức, dự kiến cấm các phương tiện cũ chạy bằng diesel tham gia giao thông ở khu trung tâm nhằm cải thiện chất lượng không khí. 

Cứu vãn uy tín của ngành công nghiệp ô tô 

Kế hoạch vừa công bố được cho là nhằm cứu vãn uy tín của ngành công nghiệp ô tô vốn được coi là xương sống của nền kinh tế Đức, sau khi xảy ra hàng loạt vụ bê bối về gian lận khí thải. Hiện EC đang tiến hành cuộc điều tra sâu rộng đối với 3 tập đoàn ô tô lớn của Đức là BMW, Daimler và VW, sau khi những doanh nghiệp này bị cáo buộc móc ngoặc với nhau trong phát triển và ứng dụng công nghệ chống ô nhiễm. 

Theo EC, các doanh nghiệp trên bị tình nghi “thỏa thuận ngầm” không cạnh tranh với nhau trong việc phát triển và đưa vào sử dụng các hệ thống chống ô nhiễm dành cho các dòng ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel, đặc biệt là các hệ thống kiểm soát tiên tiến có khả năng giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm, chẳng hạn như khí NOx. Nếu nghi ngờ về “thỏa thuận ngầm” là chính xác, đồng nghĩa với việc các hãng sản xuất xe sẽ không cho người tiêu dùng được lựa chọn xe thân thiện với môi trường hơn, mặc dù các công nghệ đã có sẵn. 

Đây là đòn mới giáng mạnh vào ngành công nghiệp xe hơi của Đức 3 năm sau vụ bê bối gian lận khí thải của VW bị phanh phui từ tháng 9-2015. Theo kết quả điều tra, VW đã cài đặt thiết bị điều chỉnh thông số thải khí cho 11 triệu xe chạy động cơ diesel trên toàn thế giới để các xe vượt qua các bài kiểm tra khí thải.

Bê bối gian lận khí thải năm 2015 của VW đã đẩy các dòng xe động cơ diesel vào “tầm ngắm” của Chính phủ Đức. Trong vụ bê bối này, VW đã thừa nhận giảm bớt thông số khí NOx thải ra môi trường so với thực tế của 11 triệu xe đã bán trên toàn thế giới. VW đã phải chi 14,7 tỷ USD để khắc phục hậu quả bê bối, bao gồm khoản tiền đền bù và thanh toán chi phí sửa chữa, nâng cấp ở Mỹ. Tổng thiệt hại của VW trong vụ bê bối này là 31 tỷ USD. 

Thực tế, chuyện một số hãng xe lớn của Đức gian lận kết quả khí thải là rõ ràng, nhưng cách xử lý của Đức cho đến nay vẫn nương nhẹ doanh nghiệp. Sở dĩ, Berlin phải xử lý như vậy vì ngành sản xuất ô tô, nhất là xe diesel, được đánh giá là “con cưng” của Chính phủ Đức khi giúp tạo công ăn việc làm cho 800.000 người, góp phần tạo nên hình ảnh, vị thế và uy tín cho nước Đức. 

Mặt khác, xét trên tình hình thực tế của Đức, có thể thấy việc chuyển sang dùng xe hơi chạy điện chưa chắc giúp môi trường Đức trong sạch hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, 45% sản lượng điện của Đức là từ nhiệt điện và đốt than để chạy máy phát điện. Đó là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, bộ pin của xe hơi chạy điện cũng được cho là nguồn gây ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục