Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập

Động lực kinh tế chi phối các mặt hoạt động

Động lực kinh tế chi phối các mặt hoạt động

Nội bộ “đấu đá” nhau. Đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu. Cơ sở vật chất phải thuê mướn, chưa đảm bảo các điều kiện về cảnh quan và môi trường sư phạm. Cơ chế tài chính chưa công khai, minh bạch. Đó là bức tranh toàn cảnh của các trường ĐH, CĐ dân lập, tư thục, bán công đã được Bộ GD-ĐT nhìn nhận trong Hội nghị các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (CL) lần I tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 31-1.

Tài sản tăng nhanh nhờ... đi thuê, đi mượn

Gần 20 năm qua, kể từ khi trường ĐH dân lập đầu tiên ra đời, đến nay cả nước có 28 trường ĐH và 17 trường CĐ ngoài CL với hơn 192.000 SV (tỷ lệ 13,9% số SV cả nước).

Hệ thống các trường ngoài CL đã phát triển nhanh chóng về số lượng, huy động được một nguồn lực xã hội đáng kể đầu tư cho giáo dục. Các trường đã tạo một sắc thái mới trong nền giáo dục quốc dân, góp phần đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Tuy nhiên, “sắc thái mới” này vẫn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập “tương đối vững bền”, trước hết thuộc trách nhiệm của các trường, như nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Đó là đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu, tỷ lệ giảng viên cơ hữu còn thấp, có trường chỉ đạt 15%; tỷ lệ SV tốt nghiệp còn thấp.

Động lực kinh tế chi phối các mặt hoạt động ảnh 1

Các đại biểu thảo luận bên lề hội nghị. Ảnh: Hùng Như

Chất lượng đào tạo còn hạn chế nhưng giá trị tài sản lại tăng đáng kể. Khi thành lập trường, hầu hết các trường có số vốn đóng góp không đáng kể, phần lớn chỉ từ 1 đến 2 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của 14 trường có báo cáo về Bộ GD-ĐT, năm 2005 tổng giá trị tài sản các trường đã tăng 2,26 lần so với năm 2001 nhờ vào tăng quy mô đào tạo và tăng học phí. Như ĐH Tôn Đức Thắng có tốc độ tăng cao nhất (1.759%), các trường ĐH Thăng Long, Hồng Bàng, Hải Phòng có tỷ lệ tăng trên 300%.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, nhấn mạnh: Mặc dù tổng giá trị tài sản của các trường đều tăng nhưng tỷ lệ giá trị tài sản thuộc sở hữu thực của các trường chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn (16%).

Vốn vay trong tổng nguồn vốn hoạt động của các trường chiếm từ 35%-41%, vốn bổ sung từ lợi nhuận hàng năm chiếm khoảng 41%-43%. Điều bất hợp lý là nhiều trường có tích lũy nhưng không đưa vào đầu tư mà gửi tiền vào ngân hàng thu lãi hàng tháng trong khi hầu hết các trường phải đi thuê, mượn địa điểm với chi phí khá cao.

Năm 2005, Trường ĐH Thăng Long phải trả tiền thuê hơn 10 tỷ đồng, Hùng Vương: 4,8 tỷ… có trường quy mô phát triển đến hàng ngàn SV nhưng diện tích thậm chí chỉ có 0,25ha.

Mô hình ĐH, CĐ ngoài công lập: lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

Nguồn vốn đầu tư bổ sung của các trường phải trông chờ vào nguồn thu thực tế hàng năm là học phí. Và để cân đối được thu, chi và có lợi nhuận, các trường đã tiết kiệm bằng cách giảm chi (mức chi thực tế/1 SV rất thấp), thậm chí “xé rào” như tuyển dưới điểm sàn, cho chuyển trường, chuyển ngành không đúng quy định.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài CL: “Phải thừa nhận các nhà đầu tư vào GD đều có tấm lòng với ngành nhưng không thể hy vọng họ làm từ thiện cho GD.

Muốn tách bạch giữa mô hình lợi nhuận hay phi lợi nhuận cũng rất khó, phải đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, dù rằng lợi ích đầu tư cho GD không mạnh bằng ở những lĩnh vực khác”. Rõ ràng “không có lợi, không ai bỏ tiền tham gia” là một thực tế.

Tuy nhiên, “quyền lợi” ở một mức nào có thể chấp nhận được, các trường phải dành bao nhiêu % tiền lời tái đầu tư cho cơ sở vật chất… thì văn bản quản lý nhà nước về tài chính liên quan đến quyền sở hữu và quản lý tài chính chưa đề cập rõ ràng.

Các trường chưa có quy chế chi tiêu nội bộ, chưa công khai minh bạch về tài chính (chỉ có 14/45 trường có báo cáo tài chính)... Một số trường để động lực kinh tế chi phối các mặt hoạt động, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. “Chia lời” không đồng đều cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mất đoàn kết, mâu thuẫn giữa hội đồng quản trị và hiệu trưởng kéo dài, thay vì vạch ra chiến lược phát triển trường thì lãnh đạo nhiều trường gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo lẫn nhau.

Chỉ trong một ngày làm việc khó có thể giải quyết hết những bất cập kéo dài. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đây là hội nghị có tầm quan trọng, tạo động lực đổi mới tổ chức, hoạt động và khẳng định vai trò, vị trí của các trường ĐH, CĐ ngoài CL.

Để có thể chuyển sang cơ chế tư thục, vấn đề công khai và minh bạch tài chính hết sức cần thiết, các trường cần tập trung kiểm kê, đánh giá, phân loại tài sản, cập nhật thường xuyên các khoản thu, chi, mua sắm trang thiết bị… và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.

Về trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với UBND các tỉnh và đề xuất với Chính phủ dành quỹ đất cho các trường ngoài CL, bảo đảm sự bình đẳng giữa CL và ngoài CL trong chính sách về học phí, học bổng, đa dạng hóa trình độ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên.

Quan trọng hơn cả, nhà nước cần có văn bản xác định rõ quyền sở hữu và quản lý tài chính để các trường chấm dứt mâu thuẫn kinh tế trong nội bộ, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để chất lượng và số lượng phát triển hài hòa. 

HỒNG LIÊN 

Định hướng phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài CL:

- Năm 2007, toàn bộ các trường chuyển sang hoạt động theo cơ chế tư thục, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội.

- Đến năm 2010, quy mô SV đạt tỷ lệ 30%-40%, 20 SV/giảng viên, 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ và 25% có trình độ tiến sĩ. Diện tích các trường đạt 20-30ha, đáp ứng 4m2/SV.

- Năm 2020, các trường tham gia đào tạo theo chương trình tiên tiến và tham gia kiểm định chất lượng.

(Nguồn: Bộ GD – ĐT)

Tin cùng chuyên mục