Xã hội hóa giáo dục - Bản lĩnh quản lý

Tại hội nghị giáo dục ngày 31-1-2007, thực trạng “đáng báo động” về tình hình giảng dạy của các đại học ngoài công lập, lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT chính thức thừa nhận.

Công tác tổ chức của hầu hết các trường đều có vấn đề: nơi có tới 11 hiệu phó, nơi lại chẳng “bói” ra nổi một hiệu phó. Nhiều trường mất dân chủ trầm trọng, chẳng hề có cuộc họp nào với cán bộ, viên chức nhà trường. Chuyện mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường, nhiều nơi đã thành cuộc chiến “trường kỳ”. Phần lớn ĐHDL phải thuê mướn địa điểm nhiều nơi, chật hẹp, trường chẳng ra trường. Thư viện, trang thiết bị nghèo nàn. Kinh khủng hơn là lực lượng cán bộ giảng dạy vừa yếu, vừa thiếu, vừa chắp vá. Một số trường chỉ có 15% giảng viên cơ hữu và hầu hết lại là “cơm chấm cơm”, tức đại học dạy lại đại học.

Có thật rằng, những hiện trạng trên nay mới có dịp “vỡ” ra trước bàn dân thiên hạ? Điều đáng nói, phơi bày tại hội nghị, chỉ là bề nổi “không thể chối cãi” trong hoạt động của các trường. Còn những tảng băng chìm, ai sẽ là người kiểm soát? Có hay không tình trạng cắt giảm tiết học, tiết thực hành của sinh viên? Có hay không tuyển sinh vô tội vạ không theo một quy chuẩn nào? Có hay không việc chia chác lợi nhuận bất thường ở một số trường?...

Trước tình hình trên, buộc người ta phải đặt câu hỏi: Vai trò quản lý Nhà nước của Bộ GD-ĐT ở đâu trước thực trạng ngày hôm nay của các trường? Bộ quá kém trong quản lý, nên tự đánh mất quyền kiểm soát? Hay có tình trạng tiêu cực ngay tại chính Bộ GD-ĐT? Vì sao cả một thời gian dài Bộ GD-ĐT cho các trường dân lập mở trường trong tình trạng không trường lớp, không giảng viên, tất cả là “ăn xổi ở thì”? Có lý do gì có thể biện hộ việc cho ra đời những ngôi trường đại học tệ hại đến độ như vậy?

Chuyện cũ đã qua, có lẽ các trường và Bộ cũng phải từng bước khắc phục, tất nhiên thiệt thòi này thuộc về các sinh viên. Song, chuyện mới sắp đến lại tiếp tục có nhiều chuyện để bàn.

Hiện nay, mô hình quản lý khối trường đại học ngoài công lập của Bộ GD-ĐT chưa rõ ràng, khoa học, gần như buông lỏng, nếu không muốn nói là Bộ chỉ quản những nội dung hoạt động gì liên quan tới cơ chế “xin-cho”. Mà lẽ thường, “xin” và “cho” thường được gạch nối bằng những “bì thư”!?. Còn sau cái sự “cho” ấy, gần như buông lỏng quyền kiểm soát. Trong khi đó, Bộ tiếp tục đề ra hướng phát triển thêm vài trăm trường ĐH trong 10 năm tới. Kế hoạch không tưởng? Hay một kế hoạch phi chất lượng, chỉ tính đến số lượng?

Mặt khác, việc hỗ trợ của Nhà nước cho khối giáo dục ngoài công lập là cần thiết. Nhưng, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho loại trường nào trong khối GD này?Nhìn ra nước ngoài, nhất là nền GD thị trường triệt để của Mỹ, cũng chỉ có 20% sinh viên ngoài công lập (trong khi VN chúng ta đề ra chỉ tiêu đến 40% SV ngoài công lập), và điều quan trọng nhất là, nhà nước Mỹ đã chia ra làm hai loại trường: lợi nhuận và phi lợi nhuận. Tất yếu là nhà nước Mỹ chỉ tạo điều kiện cơ sở vật chất thêm cho khối trường phi lợi nhuận? Còn Việt Nam chúng ta, sự phân biệt này không rõ ràng, tiền đầu tư thêm của Nhà nước sẽ chảy vào túi ai? Nội dung này, hiện nay vẫn rất mập mờ trong các quy chế của Bộ GD-ĐT.

Người thầy, nhân vật chính quyết định chất lượng GD, song với đội ngũ thầy như hiện nay của khối dân lập, chúng ta sẽ nhận định thế nào về chất lượng đào tạo? “Không thầy đố mày làm nên”, được hiểu thế nào trong thực trạng này? Nếu cho rằng, ĐH dân lập không cần nhiều thầy cơ hữu, chỉ cần thu hút thầy thỉnh giảng. Vậy xin hỏi, ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT có chấp nhận được không? Khi mà, thầy của ĐH công lập đổ tiền ra đào tạo, còn rất thiếu và cả yếu theo quy chuẩn, lại tiếp tục chảy máu sang bên ĐH DL. Chúng ta không bảo thủ đến độ nói rằng: thầy công lập không được dạy dân lập.

Sự san sẻ tri thức là cần thiết, song trong điều kiện người thầy đã làm tròn trách nhiệm thực sự với trường của mình, tức là giảng dạy và nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc trong tư thế của một giáo sư đại học. Giáo sư đại học không thể là một “thợ dạy”! Chúng ta trông cậy gì ở một trường đại học, trong tâm thế vừa muốn tăng thu học phí sinh viên, vừa kêu gọi Nhà nước phải hỗ trợ, lại không thể và không muốn đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên?

Xu thế xã hội hóa giáo dục là tất yếu. Nhưng, bản lĩnh của nhà quản lý giáo dục chính là làm thế nào để xu thế đó phục vụ trước hết và trên hết cho cộng đồng, cho lợi ích quốc gia dân tộc.

MAI LAN

Tin cùng chuyên mục