Ý kiến

Khi học trò sợ… đến lớp

Chị V.T. có cháu đang học lớp 9/2 Trường THCS K.Đ. bức xúc: Từ đầu năm học đến nay, ngày nào cháu chị đi học về đến nhà đều bơ phờ, sợ sệt. Gia đình gặng hỏi mới biết, ở trường đứa cháu gái và các bạn cùng lớp thường xuyên bị “khủng bố” tinh thần mỗi khi đến tiết toán của cô giáo chủ nhiệm.

“Ở nhà, mấy người là con cưng. Còn vô đây không cưng nổi đâu nhé. Mấy người không nghe lời, có ngày tôi làm cho… tiệt giống”, là những lời cảnh cáo… nhẹ nhàng mà cô giáo dùng để khiển trách học sinh. Chưa hết, nhiều nam sinh lớp 9/2 còn cho biết, các em rất sợ hình phạt có 1 không 2 của cô giáo: khi đòi… tuột quần học trò giữa lớp hoặc dùng đầu nhọn compa chọc vào người học sinh…

Nhưng chuyện đâu chỉ vậy, một học sinh lớp 9/2 cho biết: “Cô của em chưa phải là người dữ nhất trường, cô giáo được bình bầu kinh khủng nhất là cô giáo của lớp 9/3. Khi đang ngồi học, thỉnh thoảng chúng em vẫn nghe ở lớp bên cạnh vang lên tiếng cô mắng học trò, thậm chí là những cái tát khi học sinh lỡ không thuộc bài, đóng tiền trễ…”.

Chuyện tưởng như trời… không hay, ban giám hiệu không biết, đến một ngày lại bị lan truyền trên mạng. Một nam sinh của lớp 9/3 đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh cô giáo đánh học sinh và tung lên mạng. Vụ việc bị phát hiện, có lẽ cô giáo cũng bị khiển trách, đồng thời nam sinh đó cũng bị phạt và buộc phải lấy đoạn phim xuống.

Cũng trong tâm lý chán nản và sợ đến trường, nhiều học sinh ở lớp 11A4 của Trường THPT N.H.T. (quận 4) ngao ngán mỗi khi đến giờ Toán của cô T.T.M.C. Nhiều học sinh và phụ huynh đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi kèm theo băng ghi âm chứng cứ.

Trong đơn nêu rõ, phần lớn thời gian trên lớp được cô C. dùng để kể xấu đồng nghiệp, hiệu trưởng, nói chuyện phiếm với những ngôn từ khó hiểu. Cô còn có cách giáo huấn học trò bằng cách chửi và lăng mạ học sinh… Một phụ huynh bức xúc: “Dù các cháu có vi phạm, có lỗi nhưng cách hành xử của thầy cô như vậy là phản giáo dục, không giúp các cháu hướng thiện”.

Trước ngày đại hội Hội Phụ huynh học sinh trường, cô học trò lớp 12 Trường THPT N.C.T. (quận Gò Vấp) năn nỉ: “Mẹ ơi, cô nói gì mẹ cũng ngồi im, đừng có ý kiến gì hết. Cô yêu cầu gì cũng đồng ý nghe mẹ”. Rõ ràng người thầy đã không còn là chỗ dựa tinh thần đúng nghĩa.

Dẫu biết rằng, giáo viên cũng phải đối diện với đời sống kinh tế còn khó khăn, phải chịu những áp lực quá tải với 40 - 50 học sinh nhưng theo các chuyên gia tâm lý, học sinh ở độ tuổi đang lớn muốn tiếp cận và muốn học mọi thứ xung quanh nhưng lại chưa đủ sức “đề kháng” lọc bỏ những thứ không tốt nên nếu đặt học trò vào môi trường với những thầy cô như thế sẽ làm học sinh có cách nghĩ và hành động lệch lạc.

Mỹ Hằng

Tin cùng chuyên mục