Giải bài toán tìm chỗ học cho trẻ bậc mầm non - Xây trường bằng vốn kích cầu

Nhiều diện ưu tiên bị “vô hiệu hóa”
Giải bài toán tìm chỗ học cho trẻ bậc mầm non - Xây trường bằng vốn kích cầu

Chuyện thiếu trường lớp dẫn đến quá tải ở bậc học mầm non (MN) không phải là chuyện mới, nhưng đến năm học 2011-2012, câu chuyện này càng trở nên “nóng” khi TPHCM triển khai thực hiện đề án phổ cập mầm non 5 tuổi.

Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) được xây dựng từ vốn kích cầu.

Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) được xây dựng từ vốn kích cầu.

Nhiều diện ưu tiên bị “vô hiệu hóa”

Cho đến thời điểm này, hầu hết nhiều trường MN tại TPHCM đã khóa sổ tuyển sinh năm học mới. Danh sách trúng tuyển công bố tại các trường cho thấy sĩ số ở các lớp học đều quá tải. Sĩ số học sinh (HS) lớp mầm ở Trường MN Vàng Anh (quận 5) lên tới 80 HS/lớp, lớp lá dao động từ 50 - 60 HS/lớp.

Mặc dù, năm nay, ở khối lớp mầm, trường chỉ tuyển mới 80 HS, lớp lá 15 HS nhưng để nhường chỗ cho trẻ 5 tuổi, trường đành phải bớt một phòng học của lớp mầm để sửa lại dành cho HS lớp lá. Năm nay, các trường như MN Bến Thành (quận 1), MN 11 (Gò Vấp), MN Nhiêu Lộc (Tân Phú)… cũng không tuyển mới các trẻ lớp mầm, chồi.

Theo quy định, tuyển sinh MN sẽ được ưu tiên theo thứ tự: Có hộ khẩu thường trú nơi địa bàn trường đóng; bố mẹ là cán bộ, viên chức nhà nước tại địa phương, tạm trú KT3… Tuy nhiên, năm học này, vì quá tải nên nhiều trường hợp tại các quận huyện trẻ thuộc diện này đều bị “vô hiệu hóa”.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp cũng nhìn nhận: Hầu hết các trường MN công lập trên địa bàn quận đều đang quá tải. Chưa kể, vẫn còn 3/16 phường trong quận chưa có trường MN công lập. Chúng tôi hướng dẫn phụ huynh đưa con sang các trường mẫu giáo dân lập, tư thục. Chúng tôi cũng đã vận động các trường tiếp nhận học sinh, nhất là với diện phổ cập 5 tuổi phải có chế độ giảm học phí để các em có điều kiện đến trường. Tuy nhiên, điều này xem ra không khả thi vì trường tư hiện cũng gặp khó khăn…”.

Năm học 2011-2012 là năm đầu tiên triển khai thực hiện đề án phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi nên các quận huyện đều dành ưu tiên chỗ học cho lứa tuổi này. Tuy nhiên, trước tình trạng quá tải của các trường MN công lập, nhiều trẻ các lớp mầm, chồi (từ 4 - 5 tuổi) và kể cả trẻ 5 tuổi phải tìm chỗ học ở trường tư thục. Trong đó, rất nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn không kham nổi mức học phí cao. Như vậy, đề án phổ cập trẻ 5 tuổi không những khó đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu đã đề ra mà sự bất công, thiếu bình đẳng sẽ tiếp tục tái diễn nếu không có giải pháp tháo gỡ.

Cần có giải pháp tổng thể

Đề cập đến vấn đề này, bà Lê Thị Liên Hoan, Phó Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định: “Tính đến thời điểm này, số trường lớp công lập của TP chỉ đáp ứng được khoảng 60% tổng số trẻ, 40% còn lại vẫn phải học tại các trường MN tư thục. Cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường MN bằng nguồn kinh phí của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhà nước nên khuyến khích và tạo điều kiện để xây trường MN từ nguồn vốn kích cầu…”.

Theo bà Lê Thị Liên Hoan, hiệu quả từ việc vận dụng vốn kích cầu đã chứng minh tính tích cực từ mô hình này. Cụ thể, Trường MN Vàng Anh (quận 5) và 3 trường MN: Rạng Đông 1, Rạng Đông và Rạng Đông 10 (quận 6) được xây dựng từ vốn kích cầu. Mô hình này đã được phụ huynh đồng tình, ủng hộ bởi cơ sở vật chất đạt chuẩn và học phí chỉ thu cao hơn trường công lập 100.000 - 200.000 đồng/tháng, được gọi là “tiền kích cầu”. Sau khi thu hồi lại vốn xây dựng, những trường này sẽ không thu thêm khoản tiền kích cầu nữa mà trẻ chỉ đóng tiền theo mức học phí tương đương trường công lập.

Bà Phan Thị Bích Phượng, Trưởng phòng Giáo dục quận 6, cho biết: “Nếu có nhiều trường thực hiện kích cầu, Nhà nước có điều kiện để đầu tư cho những trường công lập khó khăn khác để đáp ứng nhu cầu học tập của con em lao động nghèo”.

Thực hiện phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, TPHCM dành hơn 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trường công lập không thể giải quyết hết nhu cầu của trẻ và nhiều trẻ phải học trường tư với mức học phí rất cao do không được hưởng sự hỗ trợ nào từ đầu tư của Nhà nước.

Trong khi đó, trên thực tế, rất nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế nhưng vẫn được học tại các trường công với mức học phí thấp, chưa kể còn được nhà nước hỗ trợ mỗi trẻ 4 triệu đồng/năm, đây là một sự thiếu công bằng với trẻ nghèo. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, TP cần hỗ trợ cho trẻ đang học tại các trường MN tư thục, nhóm trẻ gia đình. Hơn hết, đây mới chính là yếu tố để đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục MN bền vững và chất lượng như mục tiêu đã đề ra.

Lê Linh

Tin cùng chuyên mục