Điệp khúc thiếu chỗ, thiếu thầy - Ì ạch xây trường mới

Tân Bình: Cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng trường học
Điệp khúc thiếu chỗ, thiếu thầy - Ì ạch xây trường mới

Năm học 2011 - 2012, bên cạnh việc duy trì những thành quả tốt đẹp, ngành giáo dục TPHCM vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nan giải. Trong đó, việc quá tải trường lớp và thiếu giáo viên khiến nhiều nơi phải sử dụng giải pháp chắp vá. Năm học này, toàn TP tăng hơn 30.000 học sinh nhưng chỉ có 1.095 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Sự quá tải về trường lớp lại tiếp tục diễn ra, trong khi đó, nhiều công trình trường học đưa vào khởi công năm 2011 đã bị ngưng cấp vốn…

  • Ngưng vốn, nhiều công trình dở dang
Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) có đến 83 lớp với 3.850 học sinh. Ảnh: THU TÂM
Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) có đến 83 lớp với 3.850 học sinh. Ảnh: THU TÂM

Năm nay, chỉ tính riêng học sinh (HS) bậc tiểu học, quận 12 tăng hơn 2.000 em, THCS tăng 1.200 em. Khu vực cụm phường Tân Thới Hiệp, Hiệp Thành, Thới An có đến hơn 50% người dân diện KT3. Trong đó, phường Hiệp Thành tính đến thời điểm này, dân số tăng hơn 74.000 người. Thế nhưng cụm 3 phường này chỉ có 3 trường tiểu học đã làm cho các trường quá tải với số HS trung bình 45 - 50 em/lớp. Đặc biệt là Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, sĩ số HS tăng vọt, đông nhất quận khi có đến 3.850 HS với 83 lớp. Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi trường tiểu học không quá 35 lớp học và sĩ số 30 - 35 HS/lớp.

Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục quận 12, lo lắng: “Quận 12 còn 2 dự án xây Trường Tiểu học Hiệp Thành, Thới An vẫn chưa có kinh phí triển khai. Nếu các dự án này không được tháo gỡ, sự quá tải càng trở nên trầm trọng. Đặc biệt là sự quá tải ở Trường TH Lê Văn Thọ đã đến lúc cần phải giải quyết. Hiện quận còn Trường THCS Nguyễn Ánh Thủ xuống cấp trầm trọng, tất cả các phòng học đều không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, dù dự án xây mới đã có cả chục năm qua nhưng vẫn chưa thực hiện được”.

 Tại quận 8, nhiều trường học đang rơi vào cảnh trường không ra trường, lớp không ra lớp. Trường Mầm non Thỏ Ngọc (phường 7), Bông Sao (phường 16) đang xuống cấp trầm trọng, sân trường thấp hơn mặt đường nên thường xuyên ngập nước; mái ngói bị dột nhiều nơi, hệ thống phòng cháy chữa cháy bị rò rỉ, thiết bị, đồ chơi… không còn phù hợp với yêu cầu dạy học chương trình mới. Còn Trường Tiểu học Rạch Ông, Vạn Nguyên, Thái Hưng, Bông Sao… chỉ cần một cơn mưa nhỏ hay triều cường là HS phải lội bì bõm vào lớp, nhiều phòng học ẩm thấp không đáp ứng được nhu cầu học tập hàng ngày. Đặc biệt tại phường 9 vẫn chưa hoàn thành việc tách cấp (trường vừa là tiểu học, vừa là THCS). Hiện nay nhiều trường phải đưa HS đi học “ké” ở các trường khác.

 Ở Gò Vấp, năm học này còn thiếu đến 484 phòng học. thậm chí còn 3 phường chưa có trường mầm non công lập. Bà Lê Thị Kim Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết: “Quận đã có 6 dự án xây dựng trường được UBND TP bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2010, nhưng năm 2011 UBND TP không tiếp tục bố trí vốn cho các dự án này. Trong khi đó, đây là các dự án giải quyết nỗi bức xúc về việc thiếu trường lớp trên địa bàn quận trong những năm tới”.

  • Quy hoạch chắp vá

Tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với quận Gò Vấp, ông Trần Văn Khuyên, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Gò Vấp, cho biết: “Việc thiếu trường học đã trở thành vấn đề nóng hổi nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có biện pháp căn cơ để giải quyết, để rồi cứ đến hẹn lại lên, năm học sắp bắt đầu mọi người mới ngồi lại với nhau để tìm cách tháo gỡ. Trong khi đó, chúng ta luôn khẳng định giáo dục là quốc sách, nếu đã là quốc sách thì phải dành mọi ưu tiên cho giáo dục, phải có cơ chế tháo gỡ thúc đẩy tốt hơn để xây trường học. Đất thì không “đẻ” ra được nhưng HS thì luôn tăng. Quy hoạch đất đai cho giáo dục phải đi chung với quy hoạch tổng thể chứ như hiện nay, quy hoạch cho giáo dục chỉ là chắp vá. Trong khi đó, đầu tư cho giáo dục đáng lẽ ra phải luôn được ưu tiên hàng đầu”.

Ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, đề xuất: “Với tình hình quá tải trường lớp như hiện nay, giải quyết chỗ học là điều cấp bách nhất chứ không nên chạy theo việc xây trường đạt chuẩn. Theo điều lệ của trường mầm non và tiểu học, diện tích dành cho mỗi HS là 6m2. Với diện tích đất khoảng 2.000m² thì đáp ứng được nhu cầu học tập của HS, vậy tại sao không cho khởi công xây trường ở những khu đất này. Bởi với khoảng 2.000m² trở lên thì quỹ đất ở các quận huyện sẽ dễ dàng giải quyết chứ như hiện nay nhiều sở, ngành yêu cầu xây trường phải từ 5.000m² trở lên thì mới duyệt dự án. Điều này không phải nơi nào cũng làm được. Nhiều trường trong khu vực nội thành rất rộng nhưng chỉ xây 1 trệt 1 lầu, điều này lại càng lãng phí. Ngành giáo dục kiến nghị nên cho nâng tầng cao ở các trường nội thành để đưa những khối phụ lên trên, sẽ thêm được nhiều chỗ học cho HS”.

Năm 2011, TPHCM triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, đã có 59 công trình trường học khởi công mới trong năm bị ngưng cấp vốn, trong đó, có một số công trình đã được bố trí vốn từ năm 2010. Điều này đã gây khó khăn lớn trong việc giải quyết sự quá tải về chỗ học hiện nay và những năm sắp tới. Xây dựng trường học cũng là một trong những yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, chính vì vậy TP cần thiết phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường học và giải quyết bằng các biện pháp tổng thể để tháo gỡ sự quá tải về trường lớp như hiện nay.

Tân Bình: Cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng trường học

UBND quận Tân Bình TPHCM cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng Trường Tiểu học Thân Nhân Trung tại phường 13, quận Tân Bình sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp không chịu giao mặt bằng theo quy định. Trong 3 ngày 9, 10 và 11-8, quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất 6 trường hợp tại địa chỉ: 65A, 65B, 73, 75, 77, 79 đường Nguyễn Đức Thuận, phường 13. Trước đó, UBND quận Tân Bình cũng đã ban hành 25 quyết định cưỡng chế hành chính để thu hồi đất đối với các hộ thuộc dự án trên.


H.NHUNG

LÊ LINH


Bài 2: Những khoảng trống.

Tin cùng chuyên mục