Giáo dục chuyên nghiệp tại TPHCM mất cân đối cơ cấu đào tạo

Ngày 5-10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức đánh giá hoạt động giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) trên địa bàn TP trong năm học qua và triển khai nhiệm vụ năm học 2012 - 2013.

* Mới chỉ có 15% học sinh sau THCS chọn học trung cấp chuyên nghiệp

(SGGP). – Ngày 5-10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức đánh giá hoạt động giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) trên địa bàn TP trong năm học qua và triển khai nhiệm vụ năm học 2012 - 2013.

Nhờ phát triển về số lượng, quy mô đào tạo, mở rộng ngành nghề mới, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế rộng hơn…, mạng lưới các trường chuyên nghiệp ở TP đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ cho thị trường lao động TP và các tỉnh thành khác.

Kết quả phân luồng học sinh năm 2011 có chuyển biến hơn so với năm trước: tỷ lệ học sinh sau THCS chọn học hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tăng lên 15% (năm 2010: 13,5%). Tuy nhiên, hệ thống trường TCCN còn khập khiễng, cơ sở vật chất còn hạn chế, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, giáo viên thỉnh giảng còn chạy sô, dạy ép thời gian… ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ngoài ra, do hệ thống quản lý về GDCN bị phân tán cũng xảy ra tình trạng mất cân đối cơ cấu đào tạo, trong đó ngành y dược, kinh tế được học sinh chọn nhiều nhất, còn ngành kỹ thuật, cơ khí thì teo tóp. Mục tiêu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu xã hội chưa cao.

Trong năm học mới 2012 - 2013, TP tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo TCCN, mở rộng chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, có giải pháp phân luồng học sinh sau THCS vào học TCCN… 

KH.BÌNH

Tin cùng chuyên mục