Dạy học tích hợp và phân hóa: Giải pháp giảm áp lực, tăng chất lượng

Giảm bắt buộc, tăng tự chọn
Dạy học tích hợp và phân hóa: Giải pháp giảm áp lực, tăng chất lượng

Làm thế nào để phát triển năng lực cơ bản và chuyên biệt của học sinh ở trường phổ thông để người học phát huy sở trường, năng khiếu và định hướng nghề nghiệp phù hợp? Đó là vấn đề được đặt ra trong định hướng đổi mới cơ bản chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Giảng viên ngành sư phạm TPHCM bàn thảo về đào tạo tín chỉ theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: K.H.

Giảng viên ngành sư phạm TPHCM bàn thảo về đào tạo tín chỉ theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: K.H.

Giảm bắt buộc, tăng tự chọn

Những khuyết tật, trì trệ của nền giáo dục Việt Nam như chương trình - sách giáo khoa nặng về truyền thụ kiến thức, thiếu thực hành, không chú trọng hình thành năng lực cá nhân, thiếu môn học cốt lõi để hình thành nhân cách, kỹ năng sống hội nhập trong xã hội hiện đại… đã được mổ xẻ, bàn thảo rất nhiều lần. Vì thế, đòi hỏi cấp bách về đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một yêu cầu không thể chậm trễ. Để đạt được những thành tựu nổi bật về giáo dục, các quốc gia phát triển trên thế giới đều đi theo xu hướng dạy học tích hợp và phân hóa, coi việc phát triển năng lực người học là tiêu chí hàng đầu.

Tại buổi hội thảo “Dạy học tích hợp - dạy học phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông” mới tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục khẳng định rằng xu hướng này rất quan trọng và nó quyết định chất lượng giáo dục phổ thông, giải quyết cơ bản căn bệnh quá tải, nhồi nhét kiến thức như hiện nay. Dạy học tích hợp không chỉ giúp quá trình dạy và học trở nên có ý nghĩa mà còn giảm đầu môn học, tránh sự trùng lắp về nội dung, giảm thời lượng học tập nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về chương trình giáo dục phổ thông của Hàn Quốc - một trong những quốc gia đang đứng trong tốp chất lượng giáo dục hàng đầu áp dụng dạy tích hợp, phân hóa hiệu quả, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống đề xuất nên giảm môn học ở mỗi thời điểm từ lớp 3 đến lớp 9 còn 7 môn, chuyển một số nội dung sang các hoạt động khác. Tích hợp cao một số môn học nhất là ở tiểu học và THCS, đưa vào các nội dung gần gũi thiết thực, tăng sự hứng thú, phát triển năng lực của học sinh, giảm áp lực kỳ thi, giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn ở các lớp cuối cấp THPT. Tiếp đến bậc THPT, lớp 10 học các môn chung và đến lớp 11 - 12 thì chỉ học 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, còn lại tự chọn môn/chủ đề theo yêu cầu. Việc thiết kế chương trình theo hướng giảm dần môn bắt buộc và tăng môn tự chọn sẽ góp phần giảm áp lực học hành, khuyến khích học sinh phát triển sở trường, năng khiếu, ham thích học tập theo nhu cầu.

Từ kết quả nghiên cứu nền giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Singapore… nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam và ĐH Sư phạm TPHCM cũng đề xuất chương trình giáo dục phổ thông mới phải được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới (lớp 1 - 7) và phân hóa từ cuối THCS (lớp 8 - 9) và phân hóa sâu ở THPT bằng tự chọn dựa trên mặt bằng kiến thức chung. Ngoài môn học nền tảng (toán, tiếng Việt, ngoại ngữ…) thì môn học cốt lõi - bắt buộc tối đa là 8 môn/cấp. Thay vì dạy phân ban đã thực hiện không hiệu quả, việc dạy phân hóa sâu - chọn môn học theo sở trường ở từ hai lớp cuối cấp 11 - 12 sẽ giúp học sinh phát triển môn học nghề nghiệp phù hợp với định hướng tương lai.

Thách thức: Giáo viên đủ chuẩn

Trong khi dự thảo đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” của Bộ GD-ĐT đã “bật đèn xanh” - định hướng xây dựng chương trình mới tiếp cận xu hướng dạy tích hợp và phân hóa trên thế giới thì tại các cơ sở đào tạo giáo viên, mọi việc “vũ như cẩn”. Đề cập đến hạn chế này, TS Phạm Thị Kim Anh cho biết: “Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông hiện nay chỉ đào tạo họ dạy một hoặc hai môn nên không có khả năng dạy tích hợp cho một số môn cùng lĩnh vực. Chính điều này đã giảm khả năng phát triển, thích ứng của giáo viên trước yêu cầu thay đổi chương trình giáo dục phổ thông”. Như TS Nguyễn Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, đã chua chát ví von rằng một khi ngành sư phạm đứng bên ngoài nhìn vào hoặc thụ động tham gia thì việc bồi dưỡng giáo viên chỉ do đội quân “không chuyên” đảm trách. Nhiều ý kiến đồng tình với giải pháp giải quyết bất cập là các trường ĐH sư phạm nhanh chóng sắp xếp, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp để họ có thể đứng tất cả các lớp ở phổ thông và dạy một số môn học cùng lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, ngoại ngữ, tin học - công nghệ…

Để thích ứng với thời bùng nổ công nghệ số, những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, đòi hỏi con người hiện đại phải có tư duy năng động, giải quyết mọi vấn đề theo hướng tổng thể, không giới hạn trong khuôn khổ của một lĩnh vực hay khoa học nào. Trước yêu cầu này, xã hội đang đòi hỏi nền giáo dục nước nhà phải thay đổi cơ bản và toàn diện để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.

Như vậy, chương trình phổ thông mới nếu được áp dụng sau năm 2015 có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng - trình độ chuyên môn - kỹ năng giảng dạy, truyền tải kiến thức của giáo viên. Trước yêu cầu dạy tích hợp, phân hóa, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có kiến thức sâu rộng - liên môn, xuyên môn thì mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực chuyên biệt nhưng cũng đa dạng của người học.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục