Dự thảo Luật Giáo dục đại học - Cần bổ sung nội dung

Dự thảo Luật Giáo dục đại học - Cần bổ sung nội dung

Ngày 7-2, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục ĐH trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5-2012. Dù đã có nhiều chỉnh sửa so với những lần góp ý trước, nhưng phần đông ý kiến vẫn cho rằng Ban soạn thảo phải bổ sung thêm một số nội dung quan trọng.

  • Phân tầng đại học

Trước khi đóng góp ý kiến cho Quốc hội, GS Phạm Phụ (Đại học Bách khoa) dành đôi lời hoan nghênh Ban soạn thảo đã có tiếp thu việc phân tầng giáo dục ĐH. Giáo sư kiến nghị nên phân thành 5 tầng: ĐH nghiên cứu; ĐH huấn luyện nghề nghiệp chất lượng cao; ĐH huấn luyện nghề nghiệp đại trà; cao đẳng nghề nghiệp chất lượng cao và cuối cùng là cao đẳng dạy nghề. Tuy nhiên theo ông, việc dự thảo luật yêu cầu phải tăng ngân sách cho giáo dục là không thực tế bởi lẽ mức chi 20% ngân sách cho giáo dục của nước ta hiện nay là cao (trong đó giáo dục ĐH chiếm khoảng 10,7%). Do đó, chúng ta có thể tăng thêm các quỹ cho sinh viên vay vốn đi học.

PGS Trần Chí Đáo (đứng), nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chủ trương phân tầng đại học để đầu tư có trọng điểm. Ảnh: T.HÙNG

PGS Trần Chí Đáo (đứng), nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chủ trương phân tầng đại học để đầu tư có trọng điểm. Ảnh: T.HÙNG

TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho rằng việc phân tầng ĐH là cần thiết. Trong đó, vấn đề trường ĐH, CĐ cộng đồng cần chú trọng vì nó đào tạo đáp ứng ngay cho nhu cầu phát triển của địa phương. Đồng quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo cho biết, nhà nước cần đầu tư phát triển các trường ĐH-CĐ cộng đồng cho các địa phương hơn là đầu tư để mở các trường ĐH “không ra gì” như hiện nay.

TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định: Ngân sách nhà nước chỉ nên và chỉ có thể bao cấp thật tốt cho giáo dục tiểu học đến giáo dục THPT. Ở giáo dục bậc cao, nếu có khả năng bao cấp, nhà nước hãy bao cấp thật đàng hoàng cho những cơ sở giáo dục ĐH công lập trọng điểm, đào tạo và cung cấp nguồn lực để vận hành hệ thống sản xuất như trong các lĩnh vực: sư phạm, y khoa, quản trị hành chính, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sinh học nông lâm. Các cơ sở giáo dục ĐH còn lại không bao cấp gì hết mà nhà nước chỉ hỗ trợ đất đai, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính cho các chương trình đào tạo – nghiên cứu theo đơn đặt hàng của nhà nước. Làm được điều này là thực hiện được điểm cốt lõi nhất của quyền tự chủ ĐH và chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải nhưng không hiệu quả như hiện nay…

  • Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?

GS – TSKH Nguyễn Ngọc Trân tỏ ra khó hiểu khi Ban soạn thảo lại dùng cụm từ trường ĐH tư không vì lợi nhuận nhưng lại được chia cổ tức và cho rằng đây là khái niệm lạ lẫm và hài hước. Trước sự tù mù này, GS Trân kiến nghị Ban thường vụ Quốc hội phải làm rõ khái niệm “không vì lợi nhuận”, “vì lợi nhuận” và “lợi nhuận hợp lý”. Trên cơ sở này, nhà nước sẽ có những chính sách để quản lý với từng loại hình trường.

Bàn về vấn đề trường tư thục, TS Lê Vinh Danh cho biết: “Từ xưa tới nay tôi phản đối việc xác định các cổ đông có lợi tức bao nhiêu phần trăm là phi lợi nhuận, bao nhiêu phần trăm là vì lợi nhuận hoặc buộc các cơ sở này phải dành bao nhiêu phần trăm doanh thu để đầu tư mở rộng cơ sở vật chất”. Vì theo ông, người ta có thể hạch toán để có mức lãi chia trên sổ sách mà vẫn đạt yêu cầu của tiêu chí phi lợi nhuận trong khi vẫn tìm cách chia lãi trên doanh thu theo cách mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Do đó, TS Danh đưa ra kiến nghị: “Hãy để họ tự quyết thu chi như một thuộc quyền tối thiểu. Tuy nhiên, nhà nước phải xây dựng hệ thống giám sát nguồn thu chặt chẽ, đánh thuế thật nặng vào những khoản thu không được sử dụng cho việc mở rộng cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Trong khi đó, với người trong cuộc, Viện sĩ - TSKH Cao Văn Phường, Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận: “Đầu tư thành lập các trưởng ĐH ngoài công lập phải có lợi nhuận thì mới làm. Lợi nhuận của Trường ĐH Bình Dương là có thật”. Tuy nhiên, vấn đề mà ông kiến nghị Quốc hội cần xem xét, thống nhất với Chính phủ hỗ trợ các trường ngoài công lập về đất đai, thuế. 

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tôi rất cảm ơn quý thầy cô, các chuyên gia đã có những đóng góp tâm huyết cho ban soạn thảo luật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban VHGDTNTN-NĐ Quốc hội tiếp thu những vấn đề quan trọng mà các chuyên gia đã kiến nghị: việc phân tầng ĐH; vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm; kiểm định chất lượng; Xã hội hóa giáo dục. Ngoài những vấn đề này, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến về các vấn đề như đội ngũ giảng viên, hợp tác quốc tế, hội đồng trường.
 

GS-Viện sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN-NĐ Quốc hội: Đây là luật chuyên ngành sau Luật Giáo dục. Do đó, dự thảo cần quy định rõ và chi tiết nên sau khi thông qua có thể áp dụng ngay mà không phải chờ văn bản dưới luật hướng dẫn. Luật Giáo dục đại học cần được thông qua thì chúng ta mới có cơ sở pháp lý để đầu tư có trọng điểm các trường đại học sau khi được phân tầng. Ban soạn thảo cũng xác định quan điểm xuyên suốt và kiên định là tự chủ là thuộc tính của đại học. Tuy nhiên, việc tự chủ phải có cơ sở và hành lang pháp lý rõ ràng.

Vấn đề trường tư thục không vì lợi nhuận, Ban soạn thảo đang cân nhắc quy định thu 20% trên lợi nhuận hay 20% trên doanh thu.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục