Tuyển sinh ĐH-CĐ 2013: Nhiều ngành học ế ẩm

Dù kết quả điểm thi cao, điểm sàn vẫn giữ nguyên, thậm chí khối D điểm sàn giảm 0,5 điểm, cộng thêm Nghị định 74 bổ sung thêm 3 đối tượng miễn học phí nhưng rất nhiều trường đại học (ĐH), chủ yếu các ĐH vùng, đại học địa phương vẫn không thoát khỏi cảnh chợ chiều.

Dù kết quả điểm thi cao, điểm sàn vẫn giữ nguyên, thậm chí khối D điểm sàn giảm 0,5 điểm, cộng thêm Nghị định 74 bổ sung thêm 3 đối tượng miễn học phí nhưng rất nhiều trường đại học (ĐH), chủ yếu các ĐH vùng, đại học địa phương vẫn không thoát khỏi cảnh chợ chiều.

        Nhiều ngành miễn giảm học phí

Dù Chính phủ ra chính sách miễn học phí nhưng nhiều ngành đặc biệt vẫn không thu hút được thí sinh. Nhiều ngành học có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn, được miễn giảm học phí nhưng vẫn ảm đạm nên các trường trông chờ vào xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS), song thực tế vẫn không khởi sắc. Tại Trường ĐH Đồng Tháp, ngành Quản lý văn hóa có 100 chỉ tiêu (khối C, D) nhưng chỉ có 25 thí sinh đăng ký dự thi và có 12 thí sinh bằng điểm sàn trở lên. Ngành Khoa học máy tính tuyển khối A, A1 với 100 chỉ tiêu nhưng có 42 thí sinh dự thi và chỉ vỏn vẹn 1 thí sinh đạt 16 điểm, còn lại từ 12 điểm trở xuống.

Trong khi đó, đến thời điểm này, đã kết thúc 2 lần xét tuyển NVBS nhưng vẫn chưa đủ 50% chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Trà Vinh, ngành Ngôn ngữ Khmer tuyển khối C, D và có 12/48 thí sinh đạt bằng điểm sàn, ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống tuyển đến 3 khối C, D, N nhưng chỉ có 4 thí sinh dự thi. Các ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Sư phạm ngữ văn (chuyên ngành Ngôn ngữ Khmer Nam bộ) cũng lèo tèo vài thí sinh.

Trong khi đó, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ưu đãi giảm 70% học phí và Bộ VH-TT-DL đang kiến nghị miễn hoàn toàn học phí, nhưng các ngành Nhạc dân tộc chỉ tuyển được 305/361 chỉ tiêu. Những ngành không thu hút thí sinh lại rơi vào ngành được nhận nhiều ưu đãi. Cá biệt, ngành Diễn viên tuồng không có thí sinh đăng ký nên trường phải tạm dừng đào tạo.

Ngành Triết học (chuyên ngành Mác - Lênin) ở Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) có 120 chỉ tiêu, tổ chức thi ở 4 khối A, A1, C, D1. Tuy điểm chuẩn chỉ ở mức 14,5 - 15 điểm nhưng vẫn thiếu sinh viên và phải xét NVBS.

Thống kê hồ sơ đăng ký dự thi, nhiều ngành học của ĐH Huế có tỷ lệ chọi dưới 1. Ngành Toán ứng dụng của ĐH Khoa học Huế có 60 chỉ tiêu nhưng chỉ có 2 hồ sơ đăng ký dự thi, Ngôn ngữ học có 50 chỉ tiêu nhưng chỉ 7 hồ sơ đăng ký, ngành Kỹ thuật trắc địa - bản đồ cũng chỉ có 6 hồ sơ đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu là 54...

Tương tự nhiều ngành khác ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên cũng thiếu người học trầm trọng.

        Cần giải pháp đồng bộ

Cùng với Nghị định 74, nhiều trường cho rằng cần thêm các chính sách, trong đó quan trọng nhất là vấn đề đầu ra cho người học. Trước mắt, về vấn đề tuyển sinh, các trường sẽ cố gắng nuôi hy vọng cho đến kết thúc xét tuyển NVBS vào ngày 30-10. Tuy nhiên, theo đại diện các trường, dù có cố gắng kéo dài xét tuyển NVBS nhưng hy vọng thí sinh đăng ký xét tuyển là rất khó.

Nhiều ngành ở các trường với lượng thí sinh trúng tuyển quá ít như ở ĐH Trà Vinh, một số ngành ở ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên có nguy cơ sẽ không mở được lớp. Với những thí sinh trúng tuyển, nhiều khả năng sẽ chuyển sang học những ngành khác có cùng khối thi.

Theo phân tích của các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật, nguyên nhân dẫn đến thí sinh “chê” những ngành học nói trên là do vấn đề đầu ra. Khảo sát phần đông thí sinh đang theo học đều cho rằng cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường rất bấp bênh. Đại diện một trường đại học thuộc khối nghệ thuật đưa ra dẫn chứng: Số sinh viên ra trường bỏ nghề đến 50%.

Theo kiến nghị của các trường, những ngành đặc thù, đặc biệt nếu không duy trì đào tạo thì tương lai sẽ thiếu nguồn nhân lực kế thừa. Do đó, cùng với chính sách miễn giảm học phí, nhà nước cần có chính sách giải quyết đầu ra một cách đồng bộ. Để sống được với nghề, nhất là những nghề đặc thù cần phải có mức lương phù hợp để những người làm nghề an tâm cống hiến. Riêng với những ngành đặc thù như nông - lâm - ngư ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng cần có chính sách đầu ra cho người học, vì đây là những ngành giải quyết nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

THANH MINH

Tin cùng chuyên mục