Đổi mới chương trình – SGK: GS Ngô Bảo Châu đề xuất giao cho Ủy ban Giáo dục quốc gia độc lập

Ngày 20-4, thông qua trang web hocthenao.vn, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc thảo luận bàn tròn để trao đổi, chia sẻ quan điểm thẳng thắn cùng những người quan tâm đến đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau 2015.

(SGGP). – Ngày 20-4, thông qua trang web hocthenao.vn, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc thảo luận bàn tròn để trao đổi, chia sẻ quan điểm thẳng thắn cùng những người quan tâm đến đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau 2015.

Trước đó, giải thích của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, do công nghệ phát triển nhanh nên chu trình đổi mới SGK của thế giới cũng đang rút ngắn, trước đây thường 10 năm, hiện có những nước 5 - 7 năm đã thay SGK. Chương trình SGK của chúng ta được thực hiện từ năm 2012, nếu tính đến năm 2015 là 13 năm. Do đó, việc đổi mới SGK là cần thiết, không khác thông lệ quốc tế và nhu cầu đào tạo nước nhà. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn đặt câu hỏi: Tại sao 10 năm phải đổi SGK một lần? “Không có lập luận thực sự thuyết phục cho việc đổi SGK định kỳ 10 năm một lần. Tại sao phải đổi SGK theo định kỳ? Nếu định kỳ thì tại sao lại là 10 năm, chứ không phải 5 năm, 20 năm hay 50 năm. Việc cần làm định kỳ là đánh giá chất lượng SGK thông qua thực tế sử dụng” - GS Ngô Bảo Châu nêu quan điểm.

Về luận cứ cho việc thay đổi SGK, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, để làm lại SGK cần phải chỉ ra những nội dung nào trong SGK hiện hành là lạc hậu, hay thiếu chính xác, những phương pháp tiếp cận nào là không phù hợp. GS Ngô Bảo Châu phân tích: “Để thay đổi một cái gì đó, cần phải phân tích, đánh giá chính cái mà mình muốn thay đổi. Luận cứ cho việc đổi mới SGK chỉ có thể là kết quả của việc đánh giá chất lượng SGK thông qua thực tế sử dụng. Kết quả này có thể cho thấy SGK tốt rồi, không cần thay đổi gì cả, hoặc SGK cơ bản là tốt, nhưng cần sửa sai, cập nhật ở một số chỗ nhưng không cần thay đổi cấu trúc chung, hoặc là SGK hiện hành hỏng cơ bản, phải làm lại từ đầu”.

Cũng theo GS Ngô Bảo Châu, Quốc hội, Chính phủ là cơ quan quyết định việc thay đổi SGK, nhưng những cơ quan này không thể tự kiến nghị việc này. Đánh giá định kỳ chất lượng SGK và kiến nghị thay đổi nếu cần thiết cũng không thể giao cho những người làm SGK, như nhà xuất bản hay Viện khoa học giáo dục, vì họ có quyền lợi liên quan. Vì vậy, việc giám sát và kiến nghị thay đổi SGK này cần được ủy thác cho một Ủy ban Giáo dục quốc gia độc lập với các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ GD-ĐT.

Về tranh luận hiện nay là nếu làm lại SGK, thì làm SGK trước hay làm chương trình trước, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, trên lý thuyết thì phải có chương trình rồi mới viết SGK, không ai xây nhà xong mới mời kiến trúc sư vẽ thiết kế. Nhưng xây dựng chương trình trước khi viết sách là một việc khó, không có ai được đào tạo và có kinh nghiệm để làm tổng công trình sư cho việc xây dựng chương trình học và SGK. Trong thực tế, chúng ta viết SGK xong rồi mới soạn chương trình. “Việc làm SGK phức tạp hơn nhiều vì cần có sự phối hợp của nhiều người. Phối hợp như thế nào cần được thiết kế trước. Theo thông lệ quốc tế thì cần có hai nhóm độc lập, một nhóm làm chương trình, một nhóm viết sách, nhóm làm chương trình thẩm định công việc của nhóm viết sách, nhóm viết sách phản biện lại nhóm làm chương trình trên cơ sở những bất cập gặp phải trong quá trình viết sách” – GS Ngô Bảo Châu nhận định.

Cuối cùng, về việc cần thay đổi gì nhất trong chương trình và SGK hiện hành?, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần ưu tiên cho các môn ngoại ngữ, nhân văn, kỹ thuật. Cụ thể, về môn ngoại ngữ, chất lượng học tiếng Anh là yếu tố bất bình đẳng căn bản trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam; trẻ xuất thân từ các gia đình khá giả được học tiếng Anh tốt hơn nhiều. Về các môn nhân văn, nếu như SGK về toán và khoa học tự nhiên của Việt Nam không khác đáng kể so với SGK nước ngoài, thì SGK và chương trình về xã hội và nhân văn khác nhiều cả về nội dung và phương pháp. Hiểu biết và khả năng của trẻ Việt Nam về toán và khoa học cũng không khác nhiều so với trẻ em các nước khác, nhưng hiểu biết về nhân văn và khả năng ứng xử xã hội thì lại có một khoảng cách rất lớn. Vì vậy, cần có những thay đổi cơ bản trong chương trình và SGK nhân văn, cả về nội dung và phương pháp. Tương tự, nội dung về sức khỏe, lối sống, đạo đức cũng cần được chú trọng, vì xã hội thay đổi nhanh, nhiều gia đình mất phương hướng, nhà trường phải đảm nhiệm một phần vai trò giáo dục của gia đình. Trẻ em cần được học những kỹ năng cơ bản để giữ gìn sức khỏe, những nguyên tắc cụ thể để sống chan hòa với cộng đồng. Về các môn tự nhiên, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần mở rộng việc dạy lập trình từ rất sớm cho học sinh.

Trước băn khoăn tại sao không dịch nguyên SGK nước ngoài, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, SGK nước ngoài rất khác nhau, ở mỗi nước, các bộ SGK thường cũng rất khác nhau. Không có luận cứ vững chắc cho việc chọn ra một bộ nào đó, coi nó là tốt nhất, thích hợp nhất với Việt Nam rồi dịch nguyên xi. Khó có thể làm khác với cách chúng ta vẫn làm từ trước đến nay là chọn ra một số bộ SGK tốt của nước ngoài, “tích cực” tham khảo để viết ra sách cho mình.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục