Chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia: Lo ngại tính trung thực, khách quan

Ngày 15-8, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ 2014. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là lãnh đạo các trường ĐH-CĐ trong cả nước góp ý kiến về phương án 1 kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2015. Hầu hết ý kiến các trường đều đồng tình từ năm 2015 chỉ còn 1 kỳ thi, và đều có xu hướng nghiêng về phương án 2, tức là thi theo bài thi. Tuy nhiên, đại diện các trường cũng rất e ngại về độ trung thực của kỳ thi này.
Chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia: Lo ngại tính trung thực, khách quan

Ngày 15-8, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ 2014. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là lãnh đạo các trường ĐH-CĐ trong cả nước góp ý kiến về phương án 1 kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2015. Hầu hết ý kiến các trường đều đồng tình từ năm 2015 chỉ còn 1 kỳ thi, và đều có xu hướng nghiêng về phương án 2, tức là thi theo bài thi. Tuy nhiên, đại diện các trường cũng rất e ngại về độ trung thực của kỳ thi này.

Thi tốt nghiệp THPT: Chưa phải bài thi tích hợp

Bộ GD-ĐT cho biết, về thi tốt nghiệp THPT, những năm trước mắt, học sinh vẫn tiếp tục học chương trình phổ thông bình thường đến khi áp dụng chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới. Những thay đổi tiếp theo có ảnh hưởng đến cách học của học sinh sẽ được thực hiện sau khi có chương trình và SGK mới, ví dụ như bài thi tích hợp.

Gộp kỳ thi chung, thí sinh sẽ không bị áp lực nặng nề thi cử. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình TPHCM nghiên cứu làm hồ sơ thi CĐ, ĐH. Ảnh: MAI HẢI

Về tổ chức một kỳ thi quốc gia, sẽ tổ chức hội đồng thi theo các cụm thi ở từng tỉnh; công tác chấm thi được tổ chức thành các cụm liên tỉnh cho từng vùng; cán bộ coi thi, chấm thi gồm giảng viên ĐH-CĐ và giáo viên phổ thông. Về cấu trúc môn thi, bài thi, dự thảo đưa ra 3 phương án về thi theo môn thi kiểu truyền thống, thi theo bài thi hay kết hợp thi theo môn thi và bài thi. Hướng lâu dài sẽ thi theo bài thi tích hợp. Trước mắt do chưa có chương trình - SGK mới, phương pháp dạy và học của học sinh chưa thay đổi thì các bài thi mới chỉ là sự tổng hợp nhiều môn riêng rẽ chứ chưa phải bài thi tích hợp.

Về tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT nêu rõ sẽ bỏ khối thi. Cụ thể, không áp dụng các khối thi như các kỳ thi 3 chung trước đây; các trường ĐH-CĐ thông báo trước những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào từng ngành khác nhau để thí sinh biết và lựa chọn phù hợp. Điểm mới cơ bản về tuyển sinh là quy định đăng ký xét tuyển vào ngành, trường sau khi đã có kết quả thi của kỳ thi quốc gia; từ kết quả kỳ thi, thí sinh có thể sử dụng để xét tuyển cả vào đại học lẫn cao đẳng.

Yêu cầu thi phải trung thực

Góp ý về 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, ý kiến của các trường đại học còn rất khác nhau. Tuy nhiên có thể nhận thấy đa phần các trường nghiêng về phương án 2, với cách thi theo bài, đưa cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ về địa phương để cùng coi thi, chấm thi. Theo đó các môn học sẽ được tổng hợp thành 5 bài thi (bài thi toán; bài thi văn; bài thi ngoại ngữ; bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa và sinh); bài thi khoa học xã hội (sử và địa)). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là toán, văn và ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Các thí sinh dự thi Trường Cao đẳng Tài chính TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Anh văn kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2014.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết trường mong muốn bỏ thi tốt nghiệp THPT, giữ lại kỳ thi ĐH-CĐ. Tuy nhiên, với 3 phương án của bộ đưa ra thì trường ủng hộ phương án 2 vì phương án 3 tốt nhất nhưng nếu thực hiện ngay trong năm 2015 thì đột ngột. “Chúng tôi đề nghị chọn phương án 2 , có thể làm ngay trong năm 2015. Để thí sinh có kết quả thi mới chọn để đăng ký trường ĐH-CĐ”, ông Nam đề nghị. Đây cũng là lựa chọn của nhiều trường khác như ĐH Thái Nguyên, ĐH Luật Hà Nội, các trường ở khu vực miền Trung. Hầu hết các trường cũng cho rằng, phương án 3 là tối ưu nhất nhưng chỉ nên thực hiện sau khi đã thực hiện đổi mới chương trình - SGK phổ thông.

Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, năm 2015 nên chọn phương án 1, tức là vẫn thi theo môn để tránh gây sốc cho thí sinh. Một số trường không đồng tình với cả 3 phương án và đề xuất cách làm khác. ĐHQG Hà Nội cho rằng chỉ cần tổ chức kỳ thi gồm 2 kiến thức về toán và văn; môn thứ 3 là ngoại ngữ, có thể được tiến hành đa dạng trong thực hiện, thi theo nhiều đợt, có nhiều hình thức đa dạng, có tính đến yếu tố vùng miền. Các môn thi phải được tiến hành qua máy tính thì các trường mới tin.

Ngoài những ý kiến khác nhau trong việc lựa chọn phương án thi, vấn đề chung mà tất cả các trường đều đặt ra, đó là liệu kỳ thi có trung thực, kết quả đáng tin cậy không? Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM nhấn mạnh, phải mang được tính nghiêm túc của kỳ thi đại học vào kỳ thi này, khi tổ chức cụm thi. Theo ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, chắc chắn trong vài năm tới, các trường chưa thực sự tin tưởng vào kết quả nếu tổ chức kỳ thi ở địa phương, dù bộ có huy động cán bộ các trường ĐH-CĐ về làm công tác thi. Nếu tổ chức kỳ thi này mà các trường ĐH-CĐ không tin, không sử dụng kết quả sẽ chỉ làm tốn kém thêm. Vì vậy, ĐH Thăng Long đề xuất nên giao tổ chức cho các trường ĐH-CĐ trông thi, chấm thi. Khi đó, kỳ thi này vẫn chung đề thi, đợt thi. Những thí sinh nào chỉ muốn tốt nghiệp thì chỉ cần thi ở địa phương, còn nếu muốn học ĐH-CĐ thì sẽ đến các trường để thi. Bộ có thể tổ chức các cụm thi để giảm bớt khó khăn cho thí sinh các vùng khó khăn. Một số trường cũng đề xuất để bảo đảm độ trung thực của kỳ thi nên tổ chức thi ngay ở các trường đại học, sau đó sẽ chuyển kết quả về địa phương để xét công nhận tốt nghiệp cũng như xét tuyển ĐH-CĐ.

Nhiều trường đại học tốp trên nói thẳng, họ sẽ tổ chức thi riêng. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho rằng thí sinh vào trường y phải là những thí sinh tốt nhất. Vì thế ngay cả khi tổ chức 1 kỳ thi thì nhà trường vẫn phải tổ chức thi kỳ thi riêng chứ không sử dụng kết quả kỳ thi này. Đại diện Học viện An ninh nhân dân nêu quan điểm nên giao tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các tỉnh làm, nhẹ nhàng, không phải đưa giáo viên đại học về làm, tốn kém mà chưa chắc có sự nghiêm túc. Thay vào đó cần giữ lại thi ĐH-CĐ. Trường nào thấy không cần thiết thi thì có thể dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Riêng như Học viện An ninh nhân dân vẫn phải tổ chức thi riêng.

Như vậy, khác với các ý kiến của nhiều địa phương tại hội nghị tổng kết năm học trước đó nghiêng về lựa chọn phương án 1 (thi theo môn) để tránh gây sốc cho học sinh, các trường ĐH lại đang nghiêng về phương án 2 là thi theo bài thi (tổng hợp các môn). Sau hội nghị hôm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến, hoàn tất phương án để công bố ngay trước khi khai giảng năm học mới theo yêu cầu của Chính phủ.

Kỳ thi phải bảo đảm trung thực, khách quan

Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chọn phương án nào thì cũng phải bảo đảm trung thực, khách quan, ít nhiêu khê nhất, khuyến khích được học sinh học tập. Bộ GD-ĐT phải lưu ý là nếu kỳ thi trung thực thì các trường sẽ sử dụng kết quả để tuyển sinh mà không cần thi riêng. Trước mắt, kỳ thi phải tổ chức kết quả tin cậy để các trường căn cứ xét tuyển đại học; nhưng về lâu dài cần theo xu hướng của thế giới là tốt nghiệp THPT thì có quyền ghi danh vào học đại học, tức là lúc đó vai trò tốt nghiệp THPT lại là chính.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục