Hiện đại hóa nhà vệ sinh ở trường học - lại trông vào xã hội hóa

Để tạo môi trường học đường thân thiện, nhiều trường học ở TPHCM đã chú trọng nâng cấp, cải tạo và xây mới nhà vệ sinh theo chuẩn hiện đại. Nhưng làm cách nào để huy động nguồn lực xã hội hóa hiệu quả mà không gây dị ứng, áp lực đối với phụ huynh?
Hiện đại hóa nhà vệ sinh ở trường học - lại trông vào xã hội hóa

Để tạo môi trường học đường thân thiện, nhiều trường học ở TPHCM đã chú trọng nâng cấp, cải tạo và xây mới nhà vệ sinh theo chuẩn hiện đại. Nhưng làm cách nào để huy động nguồn lực xã hội hóa hiệu quả mà không gây dị ứng, áp lực đối với phụ huynh?

Một góc nhà vệ sinh đã xuống cấp ở Trường THCS Colette.

Nhu cầu thực sự

Giờ ra chơi giữa buổi chiều, vừa bước vào dãy nhà vệ sinh nữ ở Trường THCS Colette quận 3, chúng tôi phải đưa tay bịt mũi vì nơi đây bốc mùi rất khó chịu. Các nữ sinh cho biết rất ngại đi vệ sinh, nhất là vào cuối buổi học nhưng đành phải bịt mũi, nín thở bước vào. Mấy năm nay, dù đã được nâng cấp, cải tạo thường xuyên nhưng hệ thống nhà vệ sinh dành cho học sinh nam và nữ đều xuống cấp, bệ ngồi xổm bất tiện... Với gần 2.000 học sinh, chưa kể ca học buổi tối có hàng trăm lượt học sinh, nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh của trường rất cao. Chính vì thế, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học mới này, Trường Colette thông báo sẽ lấy ý kiến rộng rãi của phụ huynh về xây dựng công trình nhà vệ sinh thông minh với tổng kinh phí dự trù khoảng 2 tỷ đồng. Cho rằng công trình xã hội hóa này đầu tư số tiền quá lớn và phụ huynh sẽ phải đóng góp nhiều nên một số ý kiến bức xúc, thể hiện sự không đồng thuận.

Trao đổi với Báo SGGP xung quanh vấn đề phụ huynh phản ánh, Hiệu trưởng Trường THCS Colette Lê Kim Giang giải thích: “Hệ thống nhà vệ sinh của trường xây dựng cách đây hơn 10 năm đã xuống cấp nên năm học vừa qua, Ban đại diện cha mẹ học sinh có đề xuất hỗ trợ thực hiện công trình này. Theo đó, dự tính xây mới toàn bộ nhà vệ sinh thông minh, trang bị hệ thống nước tự động với tổng chi phí khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ đến ngày họp phụ huynh toàn trường (ngày 21-9) để lấy ý kiến và nếu đồng thuận 100% thì mới tiến hành thủ tục xin phép Phòng GD-ĐT, UBND quận 3 để thực hiện”.

Có đi khảo sát thực tế mới thấy câu chuyện nhà vệ sinh không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu, thiếu thân thiện luôn là nỗi bức xúc của nhiều trường học trên địa bàn TPHCM. Về phía phụ huynh, chứng kiến cảnh con cái cứ ra khỏi cổng trường là hối thúc cha mẹ về sớm để đi vệ sinh thì lo ngại về lâu dài chúng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, cứ vào năm học mới, nhiều trường cùng ban đại diện cha mẹ học sinh luôn trăn trở, tìm nguồn chia sẻ, hỗ trợ từ phụ huynh để cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh. Thế nhưng, do nguồn vận động bấp bênh, thậm chí chỉ dừng ở vài chục triệu đồng nên việc đầu tư manh mún, không đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hàng ngàn lượt học sinh. Có trường năm nào cũng sửa chữa, nâng cấp nhưng học sinh vẫn ngán ngại không muốn bước vào nhà vệ sinh. Để khắc phục tình trạng này, gần đây, một số trường học ở các quận nội thành đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mới hệ thống nhà vệ sinh thông minh, sử dụng thiết bị tự động với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Một hiệu trưởng ở quận 3 cho biết: “Muốn học sinh thích đến trường và phụ huynh yên tâm gởi con cái thì phải tạo môi trường thân thiện và nhà vệ sinh thông minh, hiện đại sẽ giúp các em thoải mái, tập thói quen văn minh, giữ gìn vệ sinh chung…”.

Đừng để nhà trường tự xoay xở

Cũng giống như các quận, huyện khác, quận 11 cũng từng đau đầu về thực trạng nhà vệ sinh xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh tối thiểu. Và để giải tỏa bức xúc này, chính quyền quận 11 quyết tâm đầu tư nguồn vốn ngân sách để xây mới nhà vệ sinh ở nhiều trường học theo tiêu chí thân thiện -xanh - sạch - đẹp. Ngoài ra, quận còn đầu tư kinh phí cho các trường có yêu cầu sửa chữa, cải tạo và nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một tăng của học sinh. Theo bà Lê Thu, Phó phòng GD-ĐT quận 11, sau 3 năm thực hiện dự án này, 80% nhà vệ sinh của các trường trên địa bàn quận đã được nâng cấp, xây mới hoàn toàn. Còn lại 20% nhà vệ sinh đang chờ xây mới trong năm học này và các năm tới. Có thể nói, nhờ chủ trương ưu tiên đầu tư nguồn vốn cho giáo dục, quận 11 đã tạo dấu ấn đột phá thực hiện công trình “thay áo mới” cho hệ thống nhà vệ sinh của các trường trên địa bàn. Thành công này cho thấy chủ trương và quyết tâm đúng đắn của quận trong việc ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư cho giáo dục.

Theo nhiều vị hiệu trưởng ở các quận khác, trong khi nguồn ngân sách hàng năm dành cho các hạng mục nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất ở địa phương luôn eo hẹp, thiếu trước hụt sau thì việc chờ đợi được phê duyệt xây mới nhà vệ sinh… với kinh phí cả trăm triệu đồng là khó khả thi. Còn trông chờ vào nguồn xã hội hóa thì nhiều trường lại đắn đo, không dám làm vì sợ đụng đến chuyện nhạy cảm - tiền trường, các khoản thu vận động quá nhiều.

Ngại khó không dám làm thì học sinh tiếp tục chịu thiệt thòi. Đó là tâm sự đầy nỗi niềm của các vị hiệu trưởng ấp ủ dự án hiện đại hóa nhà vệ sinh của trường mình. Đổi mới giáo dục có nhiều việc phải làm, trong đó ưu tiên nguồn lực để hiện đại hóa nhà vệ sinh, tạo môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp phải được các quận, huyện và TP quan tâm hàng đầu. Đừng để câu chuyện bức xúc về nhà vệ sinh tái diễn và con em chúng ta tiếp tục chịu đựng nỗi khổ không nói thành lời mỗi ngày đến trường. Trước khi đặt mục tiêu hiện đại hóa trường học, trang bị thiết bị dạy và học thông minh, hiện đại thì chúng ta hãy quan tâm đến nhu cầu thiết yếu là nhà vệ sinh phải đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của học sinh.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục