Những năm tháng không thể nào quên - Bài 7: Trận Rạch Chiếc và chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch”

Những năm tháng không thể nào quên - Bài 7: Trận Rạch Chiếc và chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch”

(SGGP-12G).- Trận Rạch Chiếc là trận đánh mở đường, tạo bàn đạp cho cánh Đông Bắc của quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nhưng mấy ai ngờ trận đánh đã được thay đổi vào phút cuối và do một đơn vị hoàn toàn xa lạ với địa bàn đảm nhận.

Hành quân trong đêm!

Những năm tháng không thể nào quên - Bài 7: Trận Rạch Chiếc và chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch” ảnh 1

Cầu Rạch Chiếc hôm nay. Ảnh: Đ.H.

Tháng 7-1974, Z.22 và Z.23 - hai đơn vị chủ lực của Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động từ Cát Hải, Hải Phòng đã được lệnh vượt Trường Sơn tới Bộ Tham mưu Miền (B2) ở Lộc Ninh. Theo kế hoạch, 2 đơn vị này sẽ đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy ngay thời điểm kết thúc chiến tranh. Vì vậy, họ được giao nhiệm vụ mở đường xuống Sài Gòn trước.

Để đảm bảo tuyệt đối bí mật và an toàn cho toàn chiến dịch, cả 2 đơn vị không được đi theo đường giao liên mà phải chủ động xuyên rừng, cắt đường tiếp cận Sài Gòn. Từ Lộc Ninh, đoàn quân xuyên qua đường Lệ Xuân - Đồng Nai, lộ 20 khu Bầu Hàm về Long Thành qua đường 15 đến khu rừng Sác bên bờ sông Thị Vải. Nhưng đây mới chỉ là căn cứ trú quân.

Sau đó ít ngày, đoàn quân tiếp tục vượt qua lộ 17, 19 thuộc khu rừng chồi huyện Nhơn Trạch, vượt sông Đồng Nai, sông Tắc, sông Ông Kè và cuối cùng ém quân tại rừng dừa nước thuộc vùng bưng 6 xã (Thủ Đức). Lộ trình gian nan, nguy hiểm  nhưng họ đã không làm cấp trên thất vọng. Sau hơn 1 tháng, đoàn quân đã bí mật hành quân trong lòng địch mà không gặp bất kỳ một cuộc chạm trán nào với địch.

Vừa đến nơi tập kết, hai đơn vị liền cử trinh sát tổ chức điều nghiên, nắm mục tiêu. Khi đã có đầy đủ thông tin, đoàn quân về Gò Nổi ở Nhơn Trạch xây dựng sa bàn, luyện tập phương án hành quân, di chuyển và chiến đấu, sẵn sàng chờ lệnh tấn công. Tình hình đang trong tình cảnh “dầu sôi lửa bỏng” thì có tin quân địch đang tổ chức phá cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Ngày 25-4-1975, đơn vị nhận được lệnh hủy bỏ phương án cũ và lập tức huy động toàn bộ lực lượng lên đường thực hiện nhiệm vụ mới: Phối hợp cùng Tiểu đoàn D.81 chiếm giữ và bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc để đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trong khoa học quân sự, việc đánh chiếm mục tiêu mà chưa được điều nghiên kỹ sẽ rất khó khăn. Đặc biệt từ tháng 3-1975, khi Mỹ - ngụy phát hiện các cánh quân của ta đang áp sát Sài Gòn, chúng tăng cường tổ chức lực lượng, xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc. Ở Rạch Chiếc, ngoài tiểu đoàn bảo an, ngụy đã điều thêm ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một chi đội xe tăng, pháo 105 ly, xây dựng thêm công sự bằng thùng phuy, bao cát và trang bị thêm các loại vũ khí hiện đại để “tử thủ”.

Dù địa hình chưa được điều nghiên trước nhưng với lòng quả cảm và tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các chiến sĩ đều phấn khởi lên đường. Trung úy Nguyễn Đức Thọ, năm nay đã 55 tuổi, chiến sĩ Lữ đoàn 316, bồi hồi nhớ lại: “Ngoài việc chuẩn bị quân trang, thiết bị, đạn dược… chiến đấu, các chiến sĩ trẻ còn cạo râu, cắt tóc chuẩn bị cho trận đánh sắp tới. Ai cũng quyết tâm chiến đấu và tâm niệm rằng dù có hy sinh cũng phải để lại hình ảnh đẹp trước cửa ngõ Sài Gòn!”.

“Nở hoa trong lòng địch”

Sau bữa cơm chiều thân mật trên những chiếc bập dừa nước trong vùng bưng 6 xã, các đơn vị được lệnh hành quân về vị trí tập kết. Đơn vị D.81 sẽ đánh chiếm cầu Rạch Chiếc từ phía Nam và Z.22, Z.23 sẽ tấn công từ phía Bắc, hướng từ Thủ Đức vào theo chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch”.

Trung úy Thọ nhớ lại: “Giờ G quy định là đúng 3 giờ 15 phút sáng ngày 28-4-1975. Tôi được giao nhiệm vụ bắn phát đạn tiêu diệt tháp canh, ngay sau khi D.81 nổ súng từ phía bên kia. Tháp canh khá cao, kiên cố và có trang bị một khẩu đại liên. Đến phát đạn thứ hai, tháp canh bị sạt, cột cờ đổ nghiêng, điện thoại rơi ra ngoài lủng lẳng, còn khẩu đại liên hoàn toàn “câm nín”.

Súng B40, B41 của quân ta lập tức tấn công vào các mục tiêu hỏa lực. Quân ta “đạp rào” xông thẳng vào căn cứ địch. Bọn địch bỏ chạy tán loạn. Ta hoàn toàn làm chủ trận địa và chiếm giữ lô cốt, doanh trại bên cầu Rạch Chiếc. Tờ mờ sáng, quân địch từ các nơi ồ ạt kéo tới. Trên bờ thì xe tăng, dưới sông thì tàu thủy và trên không thì máy bay đồng loạt phản kích dữ dội. Quân ta chống trả quyết liệt. Tuy nhiên đó là một trận đánh không cân sức. Sau hàng trăm đạn pháo nổ chụp từ trên không, đội hình của ta bắt đầu lung lay. Theo lệnh cấp trên, đoàn quân của ta rút ra phía rừng dừa nước.

Đến hôm nay, khi đi qua cây cầu lịch sử này, những người lính năm xưa vẫn bồi hồi một niềm xúc động mãnh liệt. Đồng chí Phạm Văn Kề, cựu chiến binh Lữ đoàn 316, kể: “Hiện nay, anh em chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ để thăm hỏi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hằng năm, cứ đến ngày 28-4, anh em chúng tôi lại về đây tham gia lễ thả hoa, tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống để giữ nguyên cây cầu huyết mạch này!”.

Sáng hôm sau (ngày 29-4), các đơn vị được lệnh tiếp tục tổ chức đánh chiếm giữ và bảo vệ cầu Rạch Chiếc bằng mọi giá để đón đại quân vào giải phóng Sài Gòn. Toàn bộ lực lượng còn lại được tiếp tế vũ khí, lương thực, chuẩn bị sắp xếp lại đội hình. Quân địch khá bất ngờ với đợt tấn công lần này của ta.

Đúng 5g sáng ngày 30-4, hiệu lệnh tấn công được điểm. Lúc này, trên cầu Rạch Chiếc, bọn địch được bổ sung, tăng cường cả về mặt quân số và vũ khí. Chưa kể, chúng còn bổ sung cả quân lính thất trận từ Xuân Lộc, Long Thành đổ về.

Tuy quân số đông nhưng tinh thần chiến đấu của chúng đã thật sự rệu rã khi được tin chúng ta đã giải phóng nhiều tỉnh, thành. Chưa kể, bọn đầu sỏ trong nội thành đang nhốn nháo tháo chạy. Như “rắn mất đầu” nên quân địch kháng cự rất yếu ớt. 7g, quân ta làm chủ tình hình và chiếm giữ cầu Rạch Chiếc theo đúng kế hoạch. Lúc đấy, đại quân ta cũng đã tiến đến và thẳng tiến về giải phóng Sài Gòn...”.

ĐOÀN HIỆP - VƯƠNG LIÊM

Bài liên quan:

- Bài 6: Những bức thư Thành cổ
- Bài 5: Người vẽ mô phỏng hàng rào điện tử McNamara
- Những năm tháng không thể nào quên ( bài 1 đến bài 4)

Tin cùng chuyên mục