
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF) 2019 diễn ra sáng nay, 26-6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.
Đại diện Chính phủ cam kết: “Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”.
Đánh giá cao chủ đề Diễn đàn lần này, Phó Thủ tướng nhắn gửi doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với cộng đồng, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển.
Ông cũng nêu rõ: “Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, đảm bảo bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… doanh nghiệp đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung cho doanh nghiệp cũng như sự phát triển của xã hội”.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng đã được được Phó Thủ tướng cụ thể hoá trên 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức.
Về khía cạnh kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hoá và dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.
Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. Doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình.
Về khía cạnh đạo đức, mặc dù không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng chính là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp. Những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại.