Công ty tài chính “mọc như nấm”

Công ty tài chính “mọc như nấm”

Do chính sách quản lý chặt chẽ tiền tệ, hoạt động ngân hàng (NH) bị thu hẹp, việc thành lập NH mới cũng rất khó khăn. Với bối cảnh đó, các công ty tài chính (CTTC) càng có cơ hội ra đời mạnh mẽ.

Chạy đua mở CTTC!

Công ty tài chính “mọc như nấm” ảnh 1

Giao dịch tại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm, quản lý vốn và điều hòa nguồn vốn, hầu hết tập đoàn kinh tế và tổng công ty đều “đẻ” ra CTTC. Thành lập từ năm 2000 và đến tháng 3-2008, Công ty Tài chính Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN - Petro VN) đã “nâng cấp” lên thành Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) với vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng để phù hợp với yêu cầu mới.

Đó là, với các dự án đang phát triển đến năm 2015, Petro VN cần khoảng 100 tỷ USD. Do vậy, Petro VN rất cần có một “cỗ máy” huy động, điều phối nguồn vốn này. Hơn nữa, PVFC còn tiếp tục củng cố để hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính vào năm 2010. Vào cuối năm 2005, nhờ đã có CTTC mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được Bộ Tài chính ưu tiên cho vay lại 750 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu quốc tế.

Từ đó đến nay, CTTC Vinashin liên tục phát triển, vốn điều lệ đã tăng từ 140 tỷ đồng (cuối 2005) lên trên 1.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm đó, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đang rất “khát vốn”, cũng xin được vay một phần nguồn vốn 750 triệu USD trên nhưng không được chấp thuận vì chưa đảm bảo về năng lực quản lý vốn. Có lẽ vì thấy được sự thua thiệt của mình nên EVN cũng tích cực tìm cách mở ra CTTC. Đến tháng 7-2008, mong mỏi của EVN đã thành sự thật. Với sự liên kết của nhiều đối tác, CTTC EVN ra đời và sẽ hỗ trợ đáng kể cho yêu cầu phát triển đến năm 2010 của EVN với nhu cầu vốn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Ngoài hai tập đoàn trên, nhiều “đại gia” khác của VN cũng mở CTTC như Dệt May, Cao su, Bưu điện, Sông Đà, Xi măng….

Bên cạnh các CTTC trong nước, các tập đoàn nước ngoài cũng đổ xô thành lập CTTC 100% vốn nước ngoài. Đầu tiên là Prudential, một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới, đã đến VN gần 10 năm qua. Từ 7,5 triệu USD lúc mới thành lập (10-2006) đến nay CTTC Prudential đã tăng vốn điều lệ lên trên 23 triệu USD. Đồng thời, công ty cũng đã xây dựng được hệ thống với năng lực phục vụ đến 50.000 lượt khách hàng mỗi ngày với sản phẩm đa dạng như vay tiêu dùng, vay mua nhà, thẻ tín dụng, vay mua xe hơi, vay vốn khởi nghiệp… Nhìn thấy được tiềm năng to lớn của mảng dịch vụ trên khi các NH đều hạn chế đáp ứng loại hình này, nhiều tập đoàn khác cũng “nối đuôi” như Societe Generale (Pháp), PPF (Czech), Toyota VN.

Nguy cơ “thừa lượng, thiếu chất”

Trước kia, lĩnh vực cho vay tiêu dùng và vay tín chấp cũng là một trong những dịch vụ chủ lực của các NH. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn gần một năm qua, đa số NH đã buông lơi mảng sản phẩm này. Cùng với đó, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ngày càng tăng cao trong lúc dòng tiền tệ bị “quản” chặt đã tạo ra cơ hội để các CTTC hình thành. Theo quy định hiện hành, CTTC hoạt động tương tự như ngân hàng với chức năng sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ… Yêu cầu về vốn điều lệ thì chỉ cần tối thiểu 300 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 1.000 tỷ đồng đối với NH. Hơn nữa, với hoạt động tín dụng tiêu dùng và vay tín chấp thì rủi ro nợ xấu khá thấp. Điểm khác là CTTC không được làm dịch vụ thanh toán và không được nhận tiền gửi dưới 12 tháng. Cuối năm 2007, nước ta có gần 10 CTTC và gần 20 bộ hồ sơ xin thành lập. Đến nay số CTTC đã lên gấp rưỡi và vẫn còn trên chục hồ sơ xếp hàng chờ ngày “khai sinh”.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các CTTC ra đời nhiều là xu hướng tích cực khi nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đầu tư vào các ngành nghề mới, và tín dụng tiêu dùng, ngày càng tăng trong lúc khả năng đáp ứng của NH lại hạn chế. Bên cạnh đó, hiện tại, tỷ lệ người dân VN sử dụng các dịch vụ tài chính NH chỉ khoảng 10% trong lúc nguồn vốn trong dân còn rất lớn, ước chừng 50.000 - 60.000 tỷ đồng.

Do vậy, “đất sống” của các CTTC là rất lớn. Nhiệm vụ chính của các CTTC do các tập đoàn kinh tế VN lập ra là luân chuyển hiệu quả dòng vốn trong các đơn vị “người nhà” và các DN trong các khu công nghiệp tập trung. Thế nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, các DN đều hoạt động cầm chừng và lại thiếu vốn nên mục tiêu của các CTTC này rất khó đạt được khi đầu vào của CTTC chủ yếu là vốn nhàn rỗi của các DN, đầu ra cũng chủ yếu là DN, cho vay hoặc thông qua NH bảo lãnh cho vay. Vì vậy, nếu cứ mở CTTC tràn lan sẽ dễ rơi vào cảnh “ăn xổi ở thì”, “bạo phát bạo tàn” tốt nhất là số lượng CTTC nên dao động quanh tỷ lệ 1/5 số lượng NH.

Ngoài ra, cũng có hiện tượng CTTC có “vỏ nội” nhưng “ruột ngoại”, điều này sẽ đẩy các CTTC vào thế không chủ động được nguồn vốn và nguy cơ phá sản khi đối tác nước ngoài “tháo chạy”. để nâng cao chất lượng thì vốn điều lệ tối thiểu của CTTC nên nâng lên mức 50 triệu USD. Đồng tình với các nhận định trên, ông Hoàng Quốc Định, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại TPHCM, cho rằng, CTTC thường là bước đệm để phát triển lên NH. Do vậy, để đảm bảo các CTTC ra đời hoạt động được an toàn, hiệu quả và bền vững, ông Định cho biết, NHNN sẽ xem xét khắt khe hơn khi cấp giấy phép thành lập CTTC; và hiện nay các bộ phận chức năng của NHNN đang soạn thảo quy định về điều kiện thành lập CTTC, trong đó mức vốn điều lệ sẽ được nâng cao hơn. 

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục