Thị trường “hậu” khủng hoảng

Chuyển hướng cạnh tranh vào châu Á

Hàng hóa dư thừa, cạnh tranh cao hơn

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới dự báo sẽ khốc liệt hơn. Không chỉ hồi phục cái cũ đang bị yếu, các nước còn có xu hướng đẩy mạnh đầu tư công nghệ để tạo ra cái khác biệt trong cạnh tranh. Đây là một thách thức cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam - vốn phát triển chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có. Điều này được các chuyên gia kinh tế đặt ra tại hội thảo Nguồn lực mới cho DN Việt Nam (VN) sau giai đoạn khủng hoảng, diễn ra tại TPHCM ngày 8-10.

Hàng hóa dư thừa, cạnh tranh cao hơn

Tính đến thời điểm hiện nay, VN là 1 trong 12 nước trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2009. Nhưng với các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng GDP không có nghĩa là nền kinh tế hồi phục. Sau khủng hoảng, thị trường hàng hóa trên thế giới sẽ thay đổi và DN VN phải chuyển hướng kinh doanh và thích nghi được với môi trường mới có sự cạnh tranh lớn hơn. Vì hiện nay, hàng hóa sản xuất trên thế giới đang dư thừa.

“Cần có một hành tinh nữa để tiêu thụ hàng hóa hiện nay” - các chuyên gia kinh tế thế giới đã đưa ra minh họa sống động về khủng hoảng thừa này.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp chia sẻ thận trọng với DN, chỉ là nước bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 nhưng phải mất 8 năm VN mới hồi phục được hoàn toàn. Và với cuộc khủng hoảng sâu rộng như lần này, chắc chắn kinh tế VN vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa cũng đặt ra nhiều thách thức khi xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhận được 53 nhóm giải pháp và 86 biện pháp để khôi phục, ổn định kinh tế của các nước. Đây là những giải pháp mang tính bảo hộ thương mại. Với tình hình hiện nay, không chỉ là giải pháp ngắn hạn, vấn đề này có thể kéo dài trong trung, dài hạn. Và điều này cũng sẽ đặt ra nhiều áp lực cho DN xuất khẩu VN trong các rào cản thương mại về thuế suất, kiện chống bán phá giá…

Trong xu hướng toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia đang nhắm vào VN. Thị trường bán lẻ tại nội địa hiện nay nhìn thấy rộng lớn, “đất đai” còn màu mỡ như vậy nhưng thực tế các công ty đa quốc gia đã đi trước và đã xây dựng mạng lưới phân phối khắp VN. Trong hơn 520.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, phần lớn là của các công ty đa quốc gia. Họ đã làm xong hệ thống phân phối, kênh bán hàng.

Trong khi đó, từ năm 2008, DN VN mới đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối ở trong nước. Tuy có hơi muộn nhưng với chiến lược trụ vững lâu dài tại thị trường nội địa, hy vọng DN VN sẽ gầy dựng hình ảnh, tìm được chỗ đứng trong người tiêu dùng VN.

Việt Nam: mở rộng cạnh tranh ở khu vực châu Á

Châu Á được nhận định là khu vực có sự hồi phục kinh tế nhanh nhất thế giới, nhiều quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sau khủng hoảng. Hiện nay, các nước ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á đang hình thành các cụm liên kết, hợp tác kinh tế ở khu vực.

Mới đây nhất là Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật, ASEAN - Nhật Bản và cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào năm 2015 tới. Đây là điều kiện thuận lợi để DN VN chuyển hướng, mở rộng cạnh tranh ở những thị trường này. Đây là con đường tất yếu của DN VN trong 5-10 năm tới. Trong cam kết đã ký, các bên đã có những chính sách ưu đãi thuế suất và DN VN phải năng động để tận dụng cơ hội xuất khẩu. Nếu không khai thác tốt thì tiềm năng vẫn mãi là tiềm năng.

Hiện nay, VN đang xuất siêu qua các nước có công nghệ cao ở châu Âu, Mỹ nhưng lại nhập siêu từ các nước có công nghệ thấp hơn như Trung Quốc, Ấn Độ. Việc này ảnh hưởng đến năng suất, năng lực cạnh tranh của VN – bà Phạm Chi Lan dẫn chứng nghịch lý và bất lợi. Hiện hàng hóa của VN phần nào đã có chỗ đứng tại thị trường Âu, Mỹ nhưng với thị trường châu Á vẫn chưa có hướng phát triển tốt. Vì vậy, những chính sách kinh tế trên sẽ là cơ hội mở đường cho hàng VN xâm nhập vào những thị trường đã “nhập siêu”, rút ngắn khoảng cách chênh lệch cán cân thương mại.

Để chuẩn bị và kịp thời thích nghi trước thay đổi của thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, DN VN không nên nhập công nghệ cũ từ các nước tiên tiến, phát triển “thải ra” sau cuộc cải tiến mới. Nếu thoát ra được bất lợi “biết trước” này thì DN VN mới thật sự đủ lực để có thể cạnh tranh.

Cuộc khủng hoảng này cho thấy, nguồn lực của VN còn nhiều vấn đề phải bàn tính vì xưa nay chúng ta chủ yếu quan tâm đến việc thu hút vốn, tập trung xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 70% GDP là con số quá lớn, nguồn lực để cạnh tranh không bền vững. Tài nguyên thiên nhiên rồi sẽ dần cạn kiệt, VN cũng phải tính đến việc “để dành” tài nguyên như cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm.

Tại buổi trao đổi mà có rất nhiều DN “chịu” ngồi đến phút cuối, điều bà Phạm Chi Lan tâm tư, mong muốn nhất ở DN là phải bớt đi lợi ích riêng của DN mình và phải vì cái chung của cộng đồng. Nội lực DN trong nước mạnh mẽ mới lôi kéo được nền kinh tế đi lên. Có vậy thì chúng ta mới có thể tính tiếp cho giai đoạn tiếp theo.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục