TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS: Thận trọng khi bù lãi suất!

TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS: Thận trọng khi bù lãi suất!

(SGGP 12G).- Những chính sách kích cầu ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ đã được triển khai đồng bộ từ cuối tháng 2. Hiện nay, Chính phủ cũng đã bước đầu nhận định, việc triển khai các giải pháp đã giúp nền kinh tế có những chuyển biến tích cực ban đầu. Tuy nhiên, hiện cũng đã có nhiều phản ánh cho thấy, giữa cơ chế và doanh nghiệp vẫn chưa gặp nhau trong vấn đề bù lãi suất 4%. TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS cho biết:

TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS: Thận trọng khi bù lãi suất! ảnh 1

TS Nguyễn Quang A

Theo tôi, nếu quá tập trung vào giải pháp này sẽ không hiệu quả. Tôi đồng ý giải pháp này sẽ giúp hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp (DN) đỡ phá sản, đỡ sa thải lao động. Nhưng theo tôi được biết, trong hơn 110.000  tỷ đồng đã cho vay bù lãi suất, số lượng đáo nợ chiếm nhiều.

Rõ ràng, hiệu quả mong đợi từ việc bù lãi suất (là tăng trưởng tín dụng) rất ít, không tăng được cầu, dẫn đến hiệu quả kích cầu là không như ý muốn. Đó là chưa kể việc bù lãi suất này nếu làm không chắc chắn sẽ rất dễ gây tiêu cực như chính Thủ tướng đã cảnh báo.

Ngoài ra, theo tôi, nếu tập trung quá vào việc bù lãi suất cho DN thì sẽ “giúp” DN giấu sự yếu kém, kéo trễ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. DN có thể nhờ vào nguồn vốn lãi suất thấp này mà kéo dài sự “lay lắt” của mình, càng làm cho nền kinh tế yếu đi, mà lẽ ra phải tận dụng cơ hội này để cơ cấu lại nền kinh tế.

Hoạt động tín dụng ở ngân hàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hoạt động tín dụng ở ngân hàng. Ảnh: VIỆT DŨNG

PV: Vậy theo ông, nếu không nên quá tập trung vào việc bù lãi suất, thì giải pháp kích cầu của Chính phủ cần tập trung vào lĩnh vực nào?

TS NGUYỄN QUANG A: Chính phủ cần đầu tư mạnh vào giáo dục đào tạo, hạ tầng nông thôn, duy trì việc làm cho người lao động. Theo tôi cần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Tất nhiên, không thể hỗ trợ thông qua Bộ LĐ-TBXH vì chúng ta đều biết Bộ LĐ-TBXH vẫn chưa có cách để nắm chắc số lượng lao động bị mất việc. Thay vào đó, để hỗ trợ trực tiếp người lao động, Chính phủ có thể thông qua DN, qua Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi nắm số lao động bị mất việc. Điều đó có nghĩa là Chính phủ cần tiếp tục bổ sung các giải pháp kích cầu nền kinh tế.

- Thưa ông, trừ biện pháp hỗ trợ trực tiếp người lao động mất việc làm chưa triển khai do không thể nắm chắc số lượng lao động, còn tất cả những giải pháp mà ông vừa đề cập đều đang được Chính phủ triển khai?

- Tôi muốn nhấn mạnh là việc đầu tư của Chính phủ vào giáo dục - đào tạo, hạ tầng nông thôn phải làm thật ráo riết thì mới có hiệu quả. Đây là lúc Chính phủ cần đầu tư cho hệ thống đường sá, sửa cầu đường, duy tu cảng... những gì có thể làm ngay và hiệu quả thì cần ráo riết làm. Nếu chỉ làm chậm thôi thì hiệu quả đã rất khác. Đó là chưa kể có những việc chúng ta đã làm, nhưng hiệu quả không như ý muốn.

-  Cụ thể là gì thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc giãn thuế thu nhập cá nhân là không cần thiết. Bản thân tôi mỗi tháng cũng được hoãn 3-4 triệu đồng, nhưng như thế là đang kích cầu cho người giàu, trong khi đối tượng cần kích cầu nhất phải là người nghèo, người có thu nhập thấp. Tôi cũng cho rằng, Chính phủ chưa nên bàn tới việc tăng học phí trong năm nay, vì như vậy là đi ngược với mục tiêu kích cầu.

-  Ông dự báo như thế nào về hiệu quả của đợt kích cầu này?

- Tôi cho rằng nếu chỉ chăm chăm vào việc bù lãi suất thì việc kích cầu sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện nay cũng đã có động thái cho thấy, Chính phủ đã và đang chuẩn bị nguồn lực để thực hiện kích cầu đợt 2 (qua việc phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ nhằm huy động 115.000 tỷ đồng). Khi kích cầu đợt 2, việc rót vốn vào đâu là điều mà Chính phủ phải hết sức cân nhắc.

Điều cần làm bây giờ là Chính phủ cần cập nhật thông tin giúp đánh giá sát hơn thực trạng nền kinh tế. Qua đó lường trước được những đối tượng nào dễ bị “ảnh hưởng” và đưa ra các giải pháp kịp thời. Chúng ta cần nhớ, cách đây 10 năm, Việt Nam đã thực hiện chính sách kích cầu. Việc kích cầu được kéo dài vì thế đã làm nền kinh tế tăng trưởng nóng, tạo nên những bất ổn của kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng các biện pháp kích cầu.

-  Xin cảm ơn ông!.

Q.PHƯƠNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục