Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Chưa cần thiết điều chỉnh dự toán ngân sách

* Không có chuyện giãn thuế thu nhập cá nhân

* Không có chuyện giãn thuế thu nhập cá nhân

Đó là ý kiến của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của QH, khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp QH về tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vừa qua có nhiều biến động.

* PV: Thưa ông, trong bối cảnh nhiệm vụ chống lạm phát được đặt lên hàng đầu như hiện nay đồng nghĩa với việc phải chấp nhận “hy sinh” một phần tăng trưởng, dự toán thu ngân sách vẫn giữ nguyên có còn phù hợp?

* Ông PHÙNG QUỐC HIỂN: Thực tế thu so với dự toán hàng năm đều vượt, năm 2010 tăng cao, vượt dự toán tới 20%. Tôi cho rằng việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng thu 6% - 7% là có thể, thậm chí cao hơn. Vì ta có thể khai thác một số nguồn từ phát triển hoạt động kinh doanh, chống thất thu trên một số lĩnh vực như bất động sản… Do đó phải thắt chặt đầu tư công, thắt chặt tiền tệ, thay đổi chính sách… Tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, khiến tăng trưởng chậm lại nhưng chỉ một phần thôi, tương tự diễn biến năm 2008 mà chúng ta đã thấy. Tuy nhiên cũng có yếu tố giá cả tăng lên, ta có thể khai thác được… Nói chung, tôi cho rằng chưa đến lúc phải tính chuyện điều chỉnh chỉ tiêu ngân sách, vì chúng ta mới thực hiện được một thời gian ngắn.

* Tăng thu năm 2010 chủ yếu từ nhập khẩu ô tô, khó có thể coi là nguồn thu vững chắc, thưa ông?

* Đúng là tăng thu vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá cả, nhập khẩu phương tiện tiêu dùng… Tôi cho đó là một hạn chế.
 
* Hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau về sử dụng khoản vượt thu. Ý kiến của ông thế nào?
 
* Trong báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nói rõ và quan điểm của tôi cũng vậy: ưu tiên giảm bội chi, ưu tiên chi trả nợ, có cơ chế để lại cho địa phương và đảm bảo an sinh xã hội. Nhưng làm gì thì làm, phải dựa vào Luật Ngân sách.
 
* Theo Nghị quyết của QH, nguồn thu ngân sách chỉ chiếm khoảng 21% - 22% GDP nhưng hiện nay đã lên đến 27% GDP. Có hay không tình trạng tận thu, không “khoan sức dân”?
 
* Tỷ lệ thu vào ngân sách có thể linh hoạt theo từng giai đoạn, tùy vào “sức khỏe” của nền kinh tế. Như đã nói, vừa qua nguồn thu xuất phát từ nhiều yếu tố như giá cả, đất đai, dầu mỏ…, nếu bóc tách ra thì thuế đánh vào người dân không cao, chỉ 15% - 16% GDP. Tôi cho là không có tận thu.
 
* Một số ý kiến đặt vấn đề trong điều kiện lạm phát tăng cao, liệu có khả năng QH sẽ ra nghị quyết tạm ngừng thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như năm 2009?
 
* Cần nhớ lại là việc điều chỉnh thu thuế TNCN diễn ra trong hoàn cảnh nền kinh tế suy thoái nên QH đưa ra chính sách đó để kích thích tiêu dùng, sản xuất. Năm nay tình hình đang diễn biến ngược lại, lạm phát cao nên ta phải có chính sách “hút” tiền ra khỏi lưu thông. Cần có biện pháp thắt chặt tiền tệ, kể cả tiêu dùng nên phải thu thuế TNCN chứ!
 
Vả lại, thuế TNCN chỉ tác động đến một bộ phận không lớn, chừng vài trăm ngàn người trong số 51 triệu người lao động có thu nhập thôi. Phải phân tích kỹ xem những khó khăn hiện nay tác động như thế nào đến diện chịu thuế TNCN. Nếu không cẩn thận sẽ không còn là thuế TNCN mà lại là thuế thu nhập cao. Đã là thuế TNCN phải theo nguyên tắc anh có thu nhập thì phải nộp thuế, tất nhiên có tính đến các yếu tố xã hội, giảm trừ gia cảnh… Tôi cho rằng không nên vội vàng thay đổi để đảm bảo sự ổn định chính sách.

* Nhưng có thông tin Bộ Tài chính đang đề nghị sửa Luật Thuế TNCN?

* Việc đó còn đang trong quá trình nghiên cứu, mà nghiên cứu thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

BẢO VÂN ghi

Tin cùng chuyên mục