Ngành công thương 2013: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 11-1, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng để tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 11-1, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội - TPHCM - Đà Nẵng để tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

  • Công khai, minh bạch giá điện và xăng dầu

Tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết năm 2012, tổn thất điện năng của ngành điện là 9%, giảm 0,23% so với kế hoạch. Năm qua, ngành điện đã tiết kiệm được 1,67 tỷ kWh, số điện năng này nếu phải chạy dầu với giá 3.000 đồng/kWh sẽ tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng.

Kiến nghị về chính sách trong thời gian tới, ông Hoàng Quốc Vượng mong Chính phủ chỉ đạo doanh nghiệp tiết kiệm điện bởi kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức được áp dụng từ 1-7-2012 và hướng tới việc hoàn thành xu thế thị trường giá điện với việc tính đầy đủ chi phí, giá điện có xu hướng tăng cao.

Từ ngày 1-7-2012, giá điện được chào bán (khoảng 30 tỷ kWh) đã tăng hơn so với trước thời điểm này và ngành điện đã phải trả thêm 300 tỷ đồng. “Đây mới chỉ là khởi động với sản lượng điện nhỏ. Nếu thị trường bán buôn, bán lẻ cạnh tranh đi vào vận hành, chi phí đưa vào giá điện, giá chắc chắn sẽ cao hơn” - ông Hoàng Quốc Vượng nói.

Về kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại năm 2013, Bộ Công thương đưa ra mục tiêu: khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch nhập khẩu dự kiến ở mức 8%; chỉ số giá tiêu dùng tăng mức 6%.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết giá xăng dầu thế giới năm qua tương đối bình ổn. Trong nước, để kiềm chế lạm phát, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp ổn định giá như: giảm các loại thuế nhập khẩu, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu…

Tuy nhiên, việc bình ổn giá kéo dài đã tạo áp lực rất lớn lên doanh nghiệp: giá không theo thị trường, bình ổn giá mạnh quá. Điều này khiến dư luận đặt nhiều vấn đề liên quan đến Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Chính vì vậy, để giá xăng dầu theo thị trường, Petrolimex kiến nghị cần giữ ổn định thuế suất 6 tháng đến 1 năm hoặc trên cơ sở thuế suất tuyệt đối để giúp doanh nghiệp và ổn định thu ngân sách. Cũng theo ông Bùi Ngọc Bảo, hiện nay, một số loại phí quy định trong xăng dầu đã không còn hợp lý như phí xăng dầu hiện chỉ 600 đồng/lít, tương ứng khoảng 2% giá bán, đã không còn tác động đến các tổng đại lý và đại lý xăng dầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, giá điện, xăng dầu phải minh bạch, công khai hơn nữa. Hiện có nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng Petrolimex chiếm thị phần chủ yếu nên phải minh bạch, theo đúng giá thị trường, đừng để những vấn đề không đáng thành vấn đề bức xúc. Để công nghiệp hóa, phải đủ điện cho đất nước, sản xuất, tiêu dùng sinh hoạt cho nhân dân. Dĩ nhiên, cung ứng điện không được phập phù. Do vậy, phải tiết kiệm điện bằng cách giảm tiêu hao. “EVN nói tổn thất điện năng không đến nỗi nhưng liệu có giảm được nữa không vì so với Thái Lan vẫn cao” - Thủ tướng nói.

  • Kiềm chế tăng giá, phát triển thị trường trong nước

Về những nhiệm vụ của ngành công thương năm 2013, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lạm phát năm 2012 giảm còn 6,81%, tạo tiền đề để chúng ta tin rằng năm 2013 lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng GDP cao hơn, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm mạnh. Ngành công nghiệp hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém; nhiều ngành phát triển chậm, chiến lược quy hoạch hiệu quả thấp. Trong tái cơ cấu nền kinh tế cần tiến hành rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp. “Tôi rất lo lắng vì nâng cao công nghiệp nhưng chiến lược mù mờ quá, chưa rõ nét” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định: ngành công thương có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, ngành công thương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời có các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước. Ngành cũng cần rà soát lại quy hoạch các ngành công nghiệp, đi liền với xây dựng chiến lược phát triển đúng và trúng, để có những giải pháp mạnh, đạt được mục tiêu năm 2020 trở thành nước công nghiệp.

Về phát triển thị trường trong nước, kiềm chế tăng giá, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành công thương tập trung phát triển thị trường đi liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; làm tốt công tác quản lý thị trường, xử lý sai phạm; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng; bảo đảm hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới gắn với kiểm soát về giá cả hàng hóa, không để khan hàng, sốt giá, quan tâm đến cung cầu hàng hóa cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tăng cường bình ổn giá, bởi đây là giải pháp quan trọng vừa có lợi cho người dân, vừa góp phần vào kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu; coi nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực để thúc đẩy sản xuất tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, quý 1-2013 UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các quận huyện kết nối với hệ thống ngân hàng tìm nguồn vốn hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp đảm bảo, ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình đã và đang phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua như: Hỗ trợ thông tin, vốn ưu đãi cho doanh nghiệp trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường... Để hỗ trợ thành phố nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp cho các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng; thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nhất là với nhóm các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước sản xuất được với chất lượng bảo đảm; xây dựng rào cản về kỹ thuật và chính sách thuế để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa hàng hóa vào thị trường Lào và Campuchia (như vận chuyển hàng hóa và thủ tục hải quan). Có cơ chế chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp TPHCM tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia do bộ tổ chức... nhằm mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục