CP tăng giá trứng là vi phạm pháp luật

* Sẽ vào cuộc làm rõ hành vi làm giá

(SGGP). – Chiều 14-1, các sở ngành chức năng của TPHCM và tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP) để làm rõ việc tăng giá trứng gia cầm liên tục trong tuần qua, gây xáo trộn thị trường, tác động không tốt đến tâm lý người tiêu dùng đối với mặt hàng này. Cùng làm việc có đại diện Bộ Công thương và Cục Quản lý cạnh tranh. Trong cuộc họp diễn ra khá căng thẳng, phía CP đã thừa nhận việc tăng giá trứng là bất hợp lý và sẽ sửa sai trong thời gian sớm nhất.

Giải trình tại cuộc họp, ông Kiều Minh Lực, Trợ lý Tổng giám đốc, phụ trách truyền thông Công ty CP, cho biết, từ đầu tháng 1-2013, các đơn hàng gửi về CP tăng đột biến, do mức cầu trên thị trường tăng. Mức cầu tăng, ngoài việc nhu cầu sử dụng trứng trong dân tăng cũng không loại trừ một số doanh nghiệp (DN) và đại lý tại TPHCM đang giữ trứng lại để chờ tăng giá… Trong khi đó, khả năng của CP hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu tăng thêm, đã làm cho nguồn cung trứng bị thiếu cục bộ, đặc biệt là tại khu vực TPHCM và một số tỉnh Đông Nam bộ. Hiện công ty đã đưa ra thị trường những quả trứng cuối cùng.

Ông Kiều Minh Lực khẳng định, giá trứng tăng trong thời gian qua hoàn toàn do quy luật cung - cầu thị trường. Chính sách giá của CP là dựa theo cung cầu thị trường. Mặt khác, việc tăng giá của CP sẽ góp phần làm kéo giảm mức cầu từ thị trường!

Không đồng tình trước phần giải trình của CP, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Lan Hương thẳng thắn: Lý giải về việc tăng giá của CP là không hợp lý, không đủ sức thuyết phục. Hiện nhu cầu tiêu thụ của TP mỗi ngày vào khoảng 3 triệu quả trứng gia cầm các loại, trong đó trứng gà chiếm khoảng 2/3 với khoảng 1,8 - 2 triệu quả. Riêng lượng trứng bình ổn của 4 đơn vị chủ lực của TP đạt 700.000 quả/ngày, còn lại là của CP và các thương hiệu khác.

Theo số liệu của Chi cục Thú y TPHCM, nguồn trứng cung ứng cho TP hàng ngày tại thời điểm đầu tháng 1 không những không giảm mà còn tăng. Ngay cả CP cũng tăng lượng hàng cung ứng cho TP. Cụ thể, từ ngày 26 đến 31-12-2012, CP cung ứng cho thị trường TP bình quân khoảng 289.000 quả/ngày, thì từ ngày 1 đến 8-1-2013 đã tăng lên bình quân 311.000 quả/ngày.

Bà Hương Lan khẳng định, nguồn cung tăng trong khi mức cầu chưa tăng. Chỉ đến khi CP tăng giá liên tục, với mức tăng lên tới 8.000 đồng/chục chỉ trong 1 tuần, đã tác động không tốt đến tâm lý người tiêu dùng. Nhiều người dân TP đã hoang mang trước giá trứng tăng cao, và họ đã đổ xô đi mua trứng để cất trữ. Có những người đã mua một lúc lên tới 200 quả, làm cho nhiều siêu thị không kịp lên hàng. Tại TPHCM trong những ngày qua đã rơi vào tình trạng thiếu hàng cục bộ, chứ không phải do nguồn cung giảm dẫn đến giá tăng.

Là người theo dõi về thị trường và giá cả, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM bức xúc: “Tôi không đồng tình với cách CP tăng giá trứng hàng ngày, thậm chí có ngày tăng tới 2 lần. Tôi được biết, năm 2013, CP sẽ làm lễ kỷ niệm 20 năm đầu tư tại Việt Nam, với chủ đề “Đền ơn Tổ quốc Việt Nam”, nhưng ngay trong những ngày đầu năm, công ty đã làm cho thị trường lên cơn sốt vì mặt hàng trứng gia cầm. Trong khi công ty đơn phương nâng giá bán, với biên độ rất cao, nhưng lại vẫn giữ giá thu mua trứng gia công từ các trại ở mức 1.550 - 1.600 đồng/quả, công ty sẽ lý giải với người dân Việt Nam như thế nào đây? Công ty cũng cần xem lại mức tăng như vậy có hợp lý hay không?”.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng, theo quy định của luật pháp Việt Nam, khi DN có sản phẩm chi phối 30% thị trường mà tăng giá bất hợp lý, sẽ bị điều chỉnh bởi hành vi lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường để làm giá. Đại diện Bộ Công thương cũng yêu cầu ngành tài chính và thuế của tỉnh Đồng Nai cần vào cuộc để làm rõ về giá trứng gia cầm tại CP. Công ty phải sớm trả lại giá trị thật cho quả trứng!

Trước sự “phản pháo” quyết liệt, thông qua những con số chứng minh cụ thể, ban giám đốc của Công ty CP thừa nhận, hành vi tăng giá trứng gà trong những ngày qua là không ổn, bất hợp lý. Công ty sẽ báo cáo lại nội dung buổi làm việc với tổng giám đốc (đang ở Thái Lan - PV) để xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời có biện pháp phù hợp nhất để ổn định thị trường, ổn định giá trứng.

Phát biểu kết luận, bà Đào Thị Hương Lan nhấn mạnh, việc tự ý tăng giá trứng liên tục, với mức tăng rất lớn của CP đã vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm hết sức nhạy cảm như hiện nay. Sau 3 ngày, nếu CP không có phản hồi tích cực, các sở, ngành của TPHCM và Đồng Nai sẽ chính thức yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục vào cuộc. Trứng gia cầm là một trong 9 nhóm mặt hàng lương thực - thực phẩm nhạy cảm, được đưa vào diện bình ổn giá, do vậy TPHCM sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp để sớm ổn định giá, ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Thêm siêu thị không bán trứng của CP

Sau khi hệ thống Co.opMart từ chối việc nhập và bán trứng của Công ty CP vì lý do tăng giá liên tục, đến nay đã có một số hệ thống phân phối “nói không” với trứng của CP. Cụ thể, ngày 14-1, hệ thống Maximark đã không nhận trứng của CP để phân phối tại các siêu thị của mình cũng với lý do nêu trên.

Không chỉ ở TPHCM mà hiện nay, ở miền Bắc giá trứng gia cầm cũng đang tăng “bất thường” từng ngày. Các chuyên gia đưa ra nhận định, nguyên nhân là do một số công ty nước ngoài thao túng, đẩy giá thu lời. Tại các chợ như Phùng Khoang, Nhân Hòa, Khương Trung, Nghĩa Tân… của Hà Nội, chiều 14-1, trứng gà trắng được tiểu thương bán giá từ 3.500-3.700 đồng/quả, trứng gà công nghiệp là 2.800-3.000 đồng/quả, trứng vịt 3.200-3.500 đồng/quả, trứng vịt lộn 1 tuần trước là 3.500 đồng/quả nay tăng lên 4.000 đồng/quả.

Các tiểu thương đều kêu ca, không chỉ người tiêu dùng mà bản thân họ cũng khó xử chuyện tăng giá, không rõ nguyên nhân thế nào. Một số người cho rằng, do thời gian qua, trứng gà Trung Quốc bị kiểm soát chặt, không về được, nên nguồn cung trong nước có phần thiếu hụt. Bởi vậy, các nhà sản xuất mới vô tư làm giá.

Đáng chú ý, theo Bộ NN-PTNT, hiện nguồn cung trứng gia cầm trên thị trường chăn nuôi nước ta đang do một số công ty chăn nuôi nước ngoài có thị phần rất lớn về thực phẩm ở thị trường Việt Nam chi phối, như Công ty Chăn nuôi CP, Công ty cổ phần Japfa. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận định, cũng chính từ việc chiếm thị phần lớn mà các công ty chăn nuôi đã kiểm soát được giá thị trường, thổi và làm giá.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục