Tréo ngoe chuyện xuất nhập đường

Tréo ngoe chuyện xuất nhập đường

Mặc dù đã gần Tết Nguyên đán 2014, sức tiêu thụ mặt hàng đường tăng nhưng giá đường trên thị trường vẫn ở mức thấp, đường tồn kho cao khiến hàng loạt nhà máy lâm vào cảnh khốn đốn. Đường sản xuất trong nước dư thừa, xuất khẩu gặp khó khăn thế mà chúng ta phải nhập khẩu đường theo cam kết WTO và mới đây là đề xuất nhập 30.000 tấn đường sản xuất ở Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai về gia công, đã khiến nhiều nhà máy trong nước lo ngại…

        Báo động chuyện... thừa đường

Chiều 3-12, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, giá đường cát trong nước đang dao động ở mức thấp khoảng 14.000 đồng/kg, đây là mức giá chỉ đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất từ hòa vốn đến lỗ nhẹ. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA chua chát: “Dù tiên liệu trước tình hình không suôn sẻ nên các nhà máy dè dặt sản xuất tới đâu bán tới đó, đồng thời hạn chế thấp nhất tình trạng dồn hàng, trữ hàng… Song, hiện thời các doanh nghiệp vẫn còn “ôm” hơn 100.000 tấn đường tồn kho”. Theo ông Long, niên vụ mía đường 2013 - 2014, các nhà máy đường cả nước dự kiến sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn đường; trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 1,3 triệu tấn. Như vậy về cơ bản đã thừa 300.000 tấn đường, đó là chưa kể đường tồn kho từ vụ trước và một lượng đường lớn nhập lậu qua biên giới Tây Nam. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng vừa cấp quota cho các doanh nghiệp nhập 73.000 tấn đường theo cam kết WTO. Điều này cho thấy chuyện thừa đường đang ở mức báo động.

Đường tồn kho nhiều, giá giảm mạnh khiến các nhà máy gặp khó.

Đường tồn kho nhiều, giá giảm mạnh khiến các nhà máy gặp khó.

Thực tế này đã khiến các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước càng bức xúc hơn khi ngay từ đầu năm 2013, VSSA đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị xử lý việc xuất khẩu đường để giải quyết cấp bách khó khăn về tồn kho. VSSA bày tỏ lo ngại khi đầu ra của mặt hàng đường ùn ứ đã đẩy các doanh nghiệp ngành mía đường vào thế phải đối mặt nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến hàng triệu hộ nông dân trồng mía. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) nhìn nhận, từ chỗ thiếu đường trước đây, nay chúng ta đã thừa đường và sản lượng dư thừa ngày một tăng. Thời gian gần đây các doanh nghiệp phối hợp cùng VSSA kiến nghị các ngành chức năng cho phép xuất khẩu đường dạng tiểu ngạch nhằm giảm áp lực tồn kho; đồng thời giữ giá đường, bảo vệ quyền lợi cho nông dân trồng mía. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chưa như mong muốn thì lại nảy sinh chuyện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai muốn đưa 30.000 tấn đường sản xuất từ Lào về Việt Nam gia công để xuất sang Trung Quốc.

Về cơ bản VSSA, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đưa 30.000 tấn đường sản xuất từ Lào về Việt Nam, bởi sản lượng đường trong nước đang quá dư thừa và rối bời chuyện tìm đầu ra.

        Vòng lẩn quẩn dẫn tới thua thiệt…

VSSA cho rằng, chương trình sản xuất 1 triệu tấn đường đến nay đã hoàn thành, vượt kế hoạch đề ra, và đang hướng tới 2 triệu tấn đường vào năm 2020 nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Song hiện tại, ngành mía đường đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Vấn đề bức bách là tìm cách ngăn đường nhập lậu, đồng thời tính toán đẩy mạnh xuất khẩu đường một cách linh hoạt nhằm nâng giá đường nội tăng lên, cứu nhà máy và nông dân trồng mía.

Các nhà máy đường cũng bức xúc khi hiện tại đường cát Thái Lan nhập lậu tiếp tục tràn vào nước ta cả trăm tấn mỗi ngày, bán với giá thấp hơn đường nội từ 500 - 800 đồng/kg nên họ thao túng thị trường. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA bày tỏ băn khoăn: khi lực lượng quản lý thị trường, hải quan… vào đợt truy quét cao điểm thì đường lậu ngơi đi một ít; song qua đợt mọi việc vẫn như cũ. Nếu như trước đây đường lậu chủ yếu tràn vào Việt Nam qua biên giới Tây Nam, nay còn thâm nhập qua biên giới phía Bắc, miền Trung.

Cũng theo VSSA, ngành mía đường Việt Nam đang thua thiệt trăm bề so với nhiều nước trên thế giới về năng suất, sản lượng, chất lượng… dẫn đến chi phí giá thành cao từ đó yếu thế trong cạnh tranh trên thị trường. Một trong những nguyên nhân cơ bản là sản xuất mía ở ĐBSCL và các nơi vẫn còn dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đầu tư chiều sâu, cơ giới hóa còn yếu… Ngoài ra, sự liên kết giữa nhà máy với nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ đường còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều hạn chế.

Nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) ngán ngẩm vì mía rớt giá.

Nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) ngán ngẩm vì mía rớt giá.

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thừa nhận: “Sau 2 vụ thua lỗ liên tục khiến hàng loạt hộ nông dân trồng mía uể oải và chán nản; trong đó năm nay nhiều hộ lỗ 10 - 15 triệu đồng/ha. Chủ trương của huyện chỉ giữ lại 5.000ha mía trong những vùng đê bao, phần còn lại sẽ khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây có múi, cây ăn trái, hoặc trồng lúa…”. Tại Sóc Trăng, vùng mía nguyên liệu huyện Cù Lao Dung có gần 8.000ha, nhưng theo ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND huyện này, diện tích trồng mía sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần để chuyển sang các loại cây trồng khác nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Cũng trong niên vụ này, tỉnh Trà Vinh chỉ trồng khoảng 5.100ha mía nguyên liệu, giảm hơn 1.000ha…

Từ thực tế nông dân đang bỏ mía, các nhà máy đường cũng “sốt vó” khi diện tích trồng mía giảm dẫn đến không đủ nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiện ngành mía đường đang chờ những biện pháp ngăn chặn được đường nhập lậu hiệu quả, có cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh xuất khẩu đường hợp lý nhằm giải phóng hàng tồn kho và nâng giá đường trong nước tăng lên. Giá đường cải thiện thì giá mía nguyên liệu mới tăng và khi đó nông dân sẽ không bỏ mía như hiện nay.

AN BÌNH - AN HÒA

Tin cùng chuyên mục