Củng cố nội lực để vượt thoát khủng hoảng

Những gam màu sáng tối
Củng cố nội lực để vượt thoát khủng hoảng

LTS: Chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào dịp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát đi thông điệp: Năm 2013 Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên tăng cường ổn định vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế… Thực tế cho thấy đã đến thời điểm chín muồi nước ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế để tránh các cú “sốc” bất lợi từ bên ngoài, thích ứng với bối cảnh thế giới đầy biến động.

Sản phẩm veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: Cao Thăng

Sản phẩm veston xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: Cao Thăng

Những gam màu sáng tối

Vào dịp cuối năm cũ 2012, Liên hiệp quốc công bố báo cáo về triển vọng kinh tế năm mới không mấy khả quan: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 2,4% (năm 2013) và 3,2% (2014), giảm đáng kể so với dự báo trước đó và cảnh báo: Với độ tăng trưởng ấy, có thể phải mất 5 năm nữa Mỹ và châu Âu mới có thể bù đắp lại số việc làm đã mất trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính vừa qua. Liên hiệp quốc khẳng định các chính sách hiện nay là chưa đủ để ổn định và phát triển bền vững, kêu gọi các nước chuyển từ thế bị động, xử lý ngắn hạn sang các chính sách kích thích tăng trưởng với tầm nhìn dài hạn.

Các báo cáo, dự báo kinh tế năm 2013 của các tổ chức quốc tế uy tín khác cũng tỏ thái độ không mấy lạc quan: IMF cho rằng kinh tế Mỹ và Nhật Bản còn tăng trưởng thấp hơn năm 2012; Trung Quốc và ASEAN chỉ tăng cao hơn năm trước chút ít. WB cảnh báo chính sách nới lỏng tiền tệ ở các nước G3 (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) có thể gây nhiều tác hại hơn là có lợi, sẽ dẫn đến tăng trưởng tín dụng quá mức, tạo ra bong bóng tài sản ở các nước đang phát triển. Thực tế kinh tế thế giới vật vã các năm qua cho thấy xuất phát từ những yếu kém tại các nền kinh tế phát triển, trở thành nguyên nhân chủ yếu gây suy giảm kinh tế toàn cầu.

Tình hình nêu trên khiến những tác động thuận lợi từ yếu tố bên ngoài không còn, trở thành những nhân tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô nước ta. Trong năm 2012 Việt Nam đã chịu đựng nhiều “cú sốc” chưa từng thấy: thị trường chứng khoán rơi tự do, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường tiền tệ ách tắc, nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp phá sản hàng loạt… Trong bối cảnh ấy, với quyết tâm vượt khó của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá (5,03%), kiềm chế lạm phát thành công (6,81%), cán cân thanh toán quốc tế thặng dư lớn, ổn định được thị trường ngoại hối và gia tăng dự trữ ngoại hối so với đầu năm 2012… Trong thế khó, các doanh nghiệp vẫn tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu với kim ngạch cả năm đạt trên 115 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Góp phần nhen nhóm những điểm sáng trong nền kinh tế, TPHCM vẫn xung kích thể hiện vai trò một đầu tàu quan trọng: GDP đạt 9,22%, gấp 1,83 lần so với mức tăng chung cả nước; thu ngân sách đạt 224.268 tỷ đồng (chiếm 30% tổng thu của cả nước), vượt chỉ tiêu đề ra trong bối cảnh các tỉnh thành khác không đạt kế hoạch; CPI tăng thấp so với mức chung cả nước (4,07%), là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Năm 2013, TPHCM vẫn thể hiện quyết tâm cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xác định mục tiêu phấn đấu đưa GDP tăng trên 10% (cả nước 5,5%) bằng việc tập trung thực hiện 6 chương trình đột phá, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm…

Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu của Nhà máy Cao su Thống Nhất. Ảnh: Việt Dũng

Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu của Nhà máy Cao su Thống Nhất. Ảnh: Việt Dũng

Xác định giá trị cốt lõi

Làn sóng doanh nghiệp phá sản, nợ xấu bùng phát đã làm không khí u ám, trì trệ lan tỏa trong nền kinh tế cả năm 2012. Điều này có nguyên nhân khách quan do tác động ngoại lai nhưng yếu tố chủ quan gây đổ vỡ dây chuyền chiếm phần quan trọng. Do điều kiện kinh tế thuận lợi, thị trường chứng khoán, bất động sản tăng nóng giai đoạn 2005 - 2008, mọi nhà, mọi thành phần kinh tế đều lao vào canh bạc đầu tư tài chính bằng mọi giá, bất kể thực lực và nguồn vốn tự có, bất chấp khả năng trả nợ vay. Sau đó “bong bóng” tài sản vỡ, ngân hàng thu hồi vốn và hạn chế cho vay mới, doanh nghiệp lâm thế vô phương cứu chữa, phải đóng cửa hàng loạt, hoặc sản xuất cầm chừng. Thực tế trong cơn khủng hoảng vừa qua các doanh nghiệp nào “trung thành” với sản phẩm chiến lược của mình, không thoát ly giá trị cốt lõi của doanh nghiệp vẫn trụ vững, thậm chí đạt hiệu quả, lợi nhuận cao.

Hàng tồn kho, nợ xấu là 2 nút thắt của nền kinh tế hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết ngay từ đầu năm 2013, trong đó đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng để giải cứu nền kinh tế. Khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp tích tụ từ các năm trước, nay bộc lộ rõ, và quá trình giải cứu cần có thời gian. Khi các doanh nhân nhận ra việc “đầu tư ảo”, không xác định được giá trị cốt lõi của mình thì đã quá trễ, phải trả giá quá đắt. Thậm chí có doanh nhân còn buông lời thở dài đến nao lòng: Muốn được trở về sống với ngôi nhà thuở xưa bên cái máng lợn sứt mẻ hơn là trong tòa lâu đài không phải của mình!

Từ thực tế đắt giá đó, những ngày cuối năm 2012 có nhiều động thái cho thấy đã tới giai đoạn chín muồi tái cấu trúc nền kinh tế, cả trên bình diện vĩ mô, đến hoạt động của từng doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có chủ trương buộc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đưa các doanh nghiệp trở về hoạt động theo đúng ngành nghề đặc thù, và phát ra thông điệp mạnh mẽ: Sẽ cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty; rà soát phân loại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp 100% thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh quốc gia, cung ứng dịch vụ công. Số còn lại thực hiện cổ phần hóa!

Năm 2013 Chính phủ đưa ra mức tăng trưởng thấp 5,5%, cho thấy quyết tâm “hạ nhiệt” nền kinh tế, vẫn ưu tiên chống lạm phát, thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô. Từ mức đầu tư trên 40% GDP nhiều năm trước đây để “làm đẹp” chỉ tiêu tăng trưởng nhưng hệ quả là lạm phát bùng phát, nợ xấu tăng cao, đã đưa xuống còn 34% GDP (2011) và 33,5% (2012 - xấp xỉ mức tích lũy nội bộ nền kinh tế), cho thấy có sự điều chỉnh đúng đắn cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng phát triển chủ yếu dựa vào nội lực. Các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn đã có, tốc độ tăng trưởng được xác định là vừa tầm, hợp lý. Vấn đề đặt ra là sự vào cuộc mạnh mẽ, trên dưới đồng lòng để tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, củng cố nội lực để hạn chế tác động bất lợi ngoại lai, từng bước vượt thoát khủng hoảng trong bối cảnh cả thế giới đối mặt khó khăn, các nước đều ưu tiên tự cứu lấy chính mình.

  • Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
    (Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII)

"Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất, ưu tiên phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cổ phần hóa và tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung tháo gỡ khó khăn, các vướng mắc của doanh nghiệp…"


Các nền kinh tế phát triển tại Mỹ, châu Âu rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính, nợ công, thắt chặt tài khóa… đã làm bùng nổ nạn thất nghiệp, làm suy yếu sức mua xã hội, gián tiếp “đánh mạnh” vào các nền kinh tế mới nổi, vào các nước có nền kinh tế hướng về xuất khẩu ở châu Á - Thái Bình Dương, đã làm khủng hoảng kinh tế - tài chính lan rộng toàn cầu. Và khả năng phát tác hiệu ứng tiêu cực vẫn còn hiện hữu, lan tỏa rộng trong năm 2013.

Lê Tiền Tuyến

Tin cùng chuyên mục