Đưa hàng Việt về nông thôn: Bất ngờ sức mua

Cứu cánh doanh nghiệp
Đưa hàng Việt về nông thôn: Bất ngờ sức mua

Ngày 9-4, tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã diễn ra buổi gặp gỡ thân mật giữa các doanh nghiệp (DN) để cùng nhìn lại chặng đường 4 năm đồng hành cùng phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Tại cuộc họp, nhiều DN khẳng định, thị trường nông thôn chính là nền tảng và cứu cánh DN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Người dân huyện Cần Giờ, TPHCM chọn mua hàng Việt. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Người dân huyện Cần Giờ, TPHCM chọn mua hàng Việt. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Cứu cánh doanh nghiệp

Kể từ phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu tiên được tổ chức vào ngày 8-3-2009, đến nay BSA đã tổ chức được 99 phiên, trải dài trên các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc. Từ 10 DN tham gia, giờ đây, mỗi phiên chợ hàng Việt đã thu hút 30 đến 50 DN cùng đồng hành, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ở khắp mọi miền đất nước.

Là một trong những DN đồng hành cùng chương trình từ những phiên chợ đầu tiên, ông Bùi Đình Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa, cho biết: “Trước khi tham gia, cân Nhơn Hòa đã có thị phần khá vững chắc tại thị trường nội địa. Nhưng chỉ đến khi trực tiếp bán hàng về nông thôn, thông qua các phiên chợ, chúng tôi mới cảm nhận được sức mạnh từ thị trường nông thôn - khu vực đầy tiềm năng mà nếu DN chưa với tới thì quả là thiếu sót rất lớn!”.

Từ những phiên chợ đầu, cân Nhơn Hòa chỉ mang theo vài trăm chiếc cân thì nay lượng hàng mang theo ở mỗi chuyến đã tăng lên vài ngàn chiếc cân. Cũng không ở đâu, tình cảm của người mua lại ưu ái cho các DN nhiều như ở nông thôn. “Đi đến đâu tôi cũng gặp những câu “trách cứ”, đại loại như cân Nhơn Hòa xài từ trước đến nay nhưng giờ mới nhìn thấy mặt của nhà sản xuất” - ông Thắng kể.

Tham gia phiên chợ, ngoài việc bán được hàng, DN còn trực tiếp nghe những ý kiến phản hồi nhiều chiều về sản phẩm, về cách đưa hàng ra thị trường. Đây là điều tiên quyết để cân Nhơn Hòa mặc dù đã độc quyền trên sân nhà nhưng lãnh đạo công ty vẫn muốn lăn xả vào thị trường để tạo sự kết nối, với tâm thế sẵn sàng lắng nghe những đóng góp, chia sẻ từ “thượng đế” để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Theo ông Thắng, thị trường nông thôn chính là nền tảng, là cơ sở của nền kinh tế, là cái nôi để nuôi cân Nhơn Hòa lớn mạnh. Do vậy, cân Nhơn Hòa luôn tìm mọi cách để tiếp cận và nắm lấy thị trường đầy tiềm năng này.

Là “lính mới” trong đội ngũ DN hàng VN chất lượng cao, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng cho rằng, tham gia lĩnh vực sản xuất và kinh doanh quần áo trẻ em trong suốt 20 năm qua nhưng chỉ đến khi tham gia các phiên chợ hàng Việt vào năm 2010 thì tên tuổi cũng như sản phẩm của DN mới được người tiêu dùng biết đến. Thật khó tưởng tượng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng doanh thu công ty đã “bùng nổ” với mức tăng trưởng đạt 300% trong năm 2012. Cũng từ các phiên chợ, Tân Hưng Long đã thay đổi cách nghĩ và làm, tìm được hướng đi mới, đó là tiến về thị trường nông thôn với dân số hiện chiếm hơn 70%, chứ không quẩn quanh ở khu vực thành thị vừa khó tính, vừa rất khó chen chân.

Thật khó có thể kể hết những câu chuyện, cách làm của các DN đã từng theo suốt chặng đường dài với chuỗi gần 100 phiên chợ hàng Việt. Nhưng tựu chung lại đó là, việc đưa hàng về nông thôn đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho DN, còn với người tiêu dùng họ cũng có điều kiện tiếp cận và mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất có chất lượng cao với giá bán ưu đãi. Đưa hàng Việt về nông thôn là chương trình đột phá có ý nghĩa chiến lược, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa VN, vừa đẩy lùi hàng kém chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa trong bối cảnh thị phần xuất khẩu đang bị co lại.

Tăng độ bao phủ lên 30%

Trên thực tế, nếu chỉ dùng lời nói sẽ rất khó thuyết phục thành quả từ những phiên chợ hàng Việt cũng như sức hút từ thị trường nông thôn đối với các DN. Là người tổ chức và theo dõi xuyên suốt các phiên chợ hàng Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, rất khó thống kê chính xác kết quả và các con số từ 99 phiên chợ. Tuy nhiên, nếu tính ở mức bình quân, mỗi DN tham gia một phiên chợ sẽ được từ 3 - 5 đại lý mới, còn nếu chính chung việc mở đại lý ở các chợ huyện thì con số này cao hơn nhiều. Theo đó, độ bao phủ sản phẩm của từng DN cũng tăng lên khoảng 30% so với thời điểm trước khi tổ chức phiên chợ.

Cùng quan điểm này, ông Lý Thành Sinh cho rằng, Tân Hưng Long đã mở được nhiều đại lý hơn con số bà Vũ Kim Hạnh đưa ra. Nói cách khác, từ phiên chợ hàng Việt, Tân Hưng Long đã đạt được nhiều mục tiêu mà trước nay công ty chưa làm được, đó là xây dựng được hình ảnh, thương hiệu, tổ chức được hệ thống phân phối, đặc biệt sau mỗi chuyến đi công ty đã trưởng thành hơn nhờ học hỏi kinh nghiệm tiếp cận thị trường, chăm sóc khách hàng từ những thương hiệu mạnh,…

Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hóa phẩm Mỹ Hảo thừa nhận, trước đây khi tung ra bất kỳ một sản phẩm mới nào, Mỹ Hảo rất tự ti và cân nhắc, do không có nhiều kinh phí để quảng cáo so với các đối thủ. Nhưng từ khi có phiên chợ hàng Việt, Mỹ Hảo xem đây là một trong những kênh quảng bá sản phẩm rất hiệu quả. Từ đây, Mỹ Hảo đã hoạch định chiến lược phát triển thị trường theo dạng “đánh du kích” từ vòng ngoài là nông thôn, khi thành công sẽ tiếp tục “tấn công” vào thành thị.

Thị trường nông thôn hiện chiếm hơn 70% dân số cả nước. VN hiện có hơn 9.000 chợ và hơn 500.000 cửa hàng, lượng hàng hóa tiêu thụ qua 2 kênh phân phối này vẫn chiếm đến 80% tổng lượng hàng hóa tiêu thụ. Người dân khu vực nông thôn hiện có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục