Tổng nợ công năm 2012 ước khoảng 55,4% GDP

Theo Báo cáo nghiên cứu “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam” được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố hôm qua, 27-5, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của DNNN và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh thì nợ công Việt Nam năm 2012 ước lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến cáo là 60% GDP.

(SGGP).- Theo Báo cáo nghiên cứu “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam” được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố hôm qua, 27-5, tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 54,9% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 30,9% và 24,0% GDP. Các con số tương ứng ước tính cho năm 2012 là 55,4% GDP; 29,6% GDP và 25,8% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ trong hệ thống ngân hàng của DNNN và khoản nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh thì nợ công Việt Nam năm 2012 ước lên tới 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến cáo là 60% GDP.

Hiện nay, theo định nghĩa, tổng nợ công là nợ trong nước và nợ nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhưng không bao gồm nợ của DNNN, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Chỉ nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công. Theo đó, trên danh nghĩa, nợ của khu vực DNNN chưa thực sự đe dọa nợ công của Việt Nam. Chính phủ chỉ bảo lãnh một số DNNN vay nợ nước ngoài, còn toàn bộ các khoản tín dụng trong nước thì DNNN phải tự vay tự trả. Với mức dư nợ khu vực tín dụng của DNNN khoảng 55% - 60% GDP năm 2009 thì phần dư nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh chỉ mới chiếm khoảng 4,2% - 6,9% tổng dư nợ của khu vực này. Song, khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các khối này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ. Tất cả các hình thức “ngân sách mềm” này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng và ngân sách nhà nước thâm hụt. Để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, Nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ tăng.

Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật về nợ công, nợ nước ngoài và nợ của DNNN ở Việt Nam là khó khăn. Nguồn thông tin chính thống về nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay là Bản tin Nợ nước ngoài phát hành định kỳ 6 tháng/lần của Bộ Tài chính. Dù vậy, bản tin mới nhất cũng chỉ phản ánh thống kê nợ nước ngoài cho tới hết năm 2010. Ủy ban Kinh tế khuyến nghị rằng, việc xây dựng một hệ thống cung cấp và quản trị thông tin nợ công/nợ nước ngoài một cách minh bạch và nhanh chóng là yêu cầu cấp bách để các nhà quản lý và hoạch định chính sách ở Việt Nam có sự nhìn nhận và đưa ra quyết sách đúng đắn về vấn đề này.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục